CSGT trưng dụng phương tiện truy đuổi cướp, dân bị thương thì sao?

VietTimes – Đó là một tình huống mà TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, đã đặt ra trong câu chuyện trao đổi với phóng viên xoay quanh quy định trao quyền cho cảnh sát giao thông được trưng dựng phương tiện, thiết bị của người dân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy định cảnh sát giao thông có quyền “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” là một trong những nội dung mới, được đề cập tại Thông tư 01/2016 do Bộ Công an ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2.

Tuy nhiên, ngay khi vừa được công bố, quy định mới này đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ phía người dân.

Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, giả định một tình huống: “Chúng ta thử đặt ra tình huống, một người tham gia giao thông, chẳng may bị tai nạn nằm bên đường. Cảnh sát giao thông đi xe máy đến. Trong lúc xe cấp cứu chưa tới, tình thế khẩn cấp, nếu cảnh sát giao thông không trưng dụng một chiếc ô tô, chở nạn nhân đến bệnh viện, thì tính mạng của người này chắc chắc sẽ bị đe dọa”.

Trao quyền cho cảnh sát giao thông trưng dụng phương tiện trong trường hợp này là hợp lý”, ông Kiên nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội này cũng lại đưa ra một tình huống khác: Tình huống cảnh giao thông truy bắt cướp trên đường, nhưng không có phương tiện, phải trưng dụng phương tiện của một người đi đường, thậm chí yêu cầu lái xe chở đuổi theo.

Tình huống này có thể sẽ làm nảy sinh ra nhiều vấn đề mà chúng ta chưa thể hình dung được. Ví dụ như phương tiện đó bị hỏng hóc, thiệt hại trong qua trình trưng dụng. Vậy thì quy định bồi thường là thế nào (?).

Tệ hơn, trong trường hợp khi cảnh sát giao đang yêu cầu trưng dụng, hay trưng dụng phương tiện mà chủ phương tiện cũng đang ngồi trên đấy, tên cướp manh động, bắn họ bị thương, thì giải quyết thế nào. Họ là dân sự có phong thương binh được không (?!)”, ông băn khoăn, “Đó là cả một vấn đề, mà chúng ta phải bàn”.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Khái quát từ hai ví dụ đơn giản, TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định việc trao quyền cho cảnh sát giao thông trưng dụng phương tiện, thiết bị trong một số tình huống là cần thiết.

Song ông cũng cho rằng, cần phải quy định rõ, trong tình huống cụ thể nào, đến mức độ nào,.. thì cảnh sát giao thông được phép trưng dụng phương tiện, thiết bị của người dân. Ngoài ra, cũng cần phải tính toán đến các biện pháp để phòng tránh trường hợp, có đối tượng lợi dụng quy định, mạo danh cảnh sát giao thông, gây tổn hại đến cuộc sống, quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, theo TS. Kiên, cơ quan xây dựng, ban hành cũng nên cân nhắc xem có nên sử dụng thuật ngữ “trưng dụng”, bởi nó sẽ vướng đến các quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Chưa kể đến việc, bản thân từ “trưng dụng” nghe cũng “hơi mạnh mẽ”, dễ khiến người dân hiểu theo một cách gay gắt, dễ tạo phản ứng.

Hữu Vinh