Ngày 15-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, cho biết thời gian qua, nhiều trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nhưng không chấp hành, chống đối CSGT, thể hiện sự coi thường lực lượng thực thi pháp luật.
Hình ảnh gây phản cảm
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia pháp lý cho rằng hình ảnh CSGT bám trên cần gạt nước, đu ca-pô ô tô gây phản cảm bởi khiến người ta hình dung tới sự bất chấp của người dân trước pháp luật, sự bất lực của lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận định: “Có nhiều CSGT làm rất lâu năm cũng ngăn chặn lái xe vi phạm bằng cách chặn đầu xe hoặc bám cần gạt nước hay truy đuổi quyết liệt khiến bản thân bị thương, thậm chí tử vong. Đây là điều đáng lưu tâm bởi nó quá nguy hiểm”.
Người có nhiều năm kinh nghiệm là thượng tá Lê Đức Đoàn (nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt - Công an TP Hà Nội; Công dân ưu tú Thủ đô Hà Nội năm 2012) cũng cho rằng hình ảnh CSGT bám cần gạt nước để yêu cầu tài xế dừng xe là rất phản cảm, trong nhiều tình huống có thể nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. “Có lẽ các đồng nghiệp trẻ được đào tạo bài bản nhưng thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, khi thực hiện chưa thuần thục” - ông Đoàn nói.
An toàn là trên hết
Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, những trường hợp tài xế bị CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn điều khiển xe bỏ chạy một cách điên cuồng, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị xem xét về tội “Giết người”. Hiện nhiều địa phương chỉ xử lý hành chính hoặc xử lý thiếu kiên quyết về hành vi này, dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật.
Người đứng đầu Cục CSGT cho biết sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật; đề nghị nhân dân và người tham gia giao thông chấp hành nghiêm hiệu lệnh của CSGT; trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT để các chiến sĩ vững tâm làm nhiệm vụ, khi có các đối tượng chống đối thì có thể xử lý một cách kiên quyết. Ông Hà cũng ủng hộ hình thức phạt nguội như một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo thượng tá Lê Đức Đoàn, CSGT có nhiều cách xử lý vi phạm, không nhất thiết phải chặn đầu xe. Các tổ công tác được trang bị bộ đàm nên có thể thông báo cho chốt liền kề để yêu cầu tài xế dừng xe. Ngoài ra, có thể báo về chỉ huy dùng hình ảnh từ camera giám sát để truy tìm chủ phương tiện và phạt nguội. CSGT chỉ nên truy đuổi trong các vụ có tính chất nghiêm trọng như vận chuyển ma túy, hàng cấm, cướp giật, gây tai nạn liên hoàn... với nguyên tắc phải bảo đảm an toàn tính mạng bản thân cũng như người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Trọng Thái cho biết nhiều địa phương, ngành công an không khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phải quyết liệt đuổi bắt người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông để bảo đảm an toàn mà xử lý bằng các phương án khác, chẳng hạn như tổ chức lực lượng truy bắt... “CSGT không nên truy đuổi quyết liệt trong những hành vi vi phạm giao thông bình thường vì rất nguy hiểm. CSGT khi thực thi nhiệm vụ, làm sao vừa bảo đảm việc quan sát, kiểm soát an toàn giao thông vừa bảo đảm an toàn cho chính bản thân” - ông Thái bày tỏ.
Khởi tố tài xế xe tải kéo lê CSGT 20 m tội Giết người
Ngày 15-12, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên) để điều tra hành vi “Giết người”.
Sáng 12-12, Chuyên điều khiển xe tải và va chạm với một ô tô tại ngã ba Sài Đồng - Quốc lộ 5 (Hà Nội). Phát hiện sự việc, thượng úy Nguyễn Quốc Đạt (Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt - Công an TP Hà Nội) ra hiệu lệnh dừng xe để giải quyết nhưng Chuyên rồ ga lao thẳng khiến anh Đạt ngã ra đường và bị kéo lê 20 m.
Hiện thượng úy Đạt đang điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức với nhiều chấn thương và tràn máu, tràn khí màng phổi, dập phổi trái, gãy 3 xương sườn trái. Chuyên khai biết CSGT bị cuốn vào gầm xe nhưng do quá hoảng sợ nên không dừng lại.
Trong chiều 15-12, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy TP Hà Nội, cùng lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã đến bệnh viện thăm thượng úy Đạt.Ng.Hưởng
Theo NLĐ