Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT sẽ có hiệu lực từ ngày 15-2. Trong đó, việc quy định cho phép CSGT được “trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển”, đồng thời “có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Phải có lệnh của bộ trưởng Bộ Công an
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết việc trưng dụng được tiến hành trong những trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh trong những điều kiện nhất định hoặc cứu hộ, cứu nạn.
“Thực ra, phương tiện của CSGT bây giờ đã tốt hơn nên quy định này mang tính dự phòng. Bình thường chỉ là huy động phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Luật Công an Nhân dân. Còn nếu nói trưng dụng thì phải người có thẩm quyền, theo luật là của bộ trưởng Bộ Công an và khi có lệnh thì người dân phải thực hiện”- Thiếu tướng Quân nói.
Giải thích rõ hơn, trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (C67, Bộ Công an), cho biết theo Luật Công an Nhân dân, công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện theo quy định trong các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
Ví dụ trường hợp CSGT Đội 5 ở Hà Nội bị kéo lê, CSGT có quyền trưng dụng phương tiện để truy đuổi tài xế. Người có phương tiện bị trưng dụng không chấp hành thì căn cứ vào hậu quả, tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
“Dĩ nhiên, CSGT phải nói rõ mục đích và đề nghị người dân hợp tác. Khi phương tiện bị hư hỏng do việc trưng dụng gây ra thì đơn vị trưng dụng phải bồi thường” - trung tá Nhật nói thêm.
Người dân có quyền ghi hình CSGT
Liên quan đến quyền dừng phương tiện của CSGT dù người dân có vi phạm luật giao thông hay không, trung tá Nhật cho biết CSGT chỉ được dừng phương tiện trong các trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cục trưởng Cục CSGT hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tuần tra xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên; có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự... Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Về quy định cho phép CSGT ngoài kiểm tra giấy tờ người cầm lái còn được kiểm soát cả giấy tờ tùy thân của người ngồi trên phương tiện đó, nhiều ý kiến lo ngại quy định này có thể xâm phạm quyền riêng tư, cá nhân. Trung tá Nguyễn Quang Nhật giải thích quy định này không có gì mới và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, công dân phải có giấy tờ tùy thân như CMND, thẻ căn cước...
“Ở nước ngoài đã làm từ lâu, người dân ra đường không có hộ chiếu sẽ bị phạt. Việc kiểm tra xử lý người ngồi trên phương tiện khi không có chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ căn cước đều có quy định trong các Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và việc xử phạt hành chính cũng căn cứ vào Nghị định 167 trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khi dừng xe, CSGT phải thông báo lỗi vi phạm. Người dân có quyền hỏi mình bị lỗi gì và chứng minh mình không vi phạm. Người dân còn có quyền khiếu nại, khiếu kiện nếu không đồng ý với quyết định xử phạt nhưng không có quyền đòi xem kế hoạch, văn bản của CSGT” - trung tá Nhật lưu ý.
Về thắc mắc người dân có thể giám sát, ghi hình, chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ hay không, trung tá Nhật nhấn mạnh tất cả người dân đều có quyền được phản ánh, có quyền được quay phim, chụp ảnh, đặc biệt là phản ánh về những CSGT vi phạm điều lệnh, có dấu hiệu tiêu cực.
Nhiều điều cần làm rõ
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), để Thông tư 01/2016/TT-BCA thực thi trong cuộc sống, phải xác định chi tiết hơn nữa về thẩm quyền trưng dụng của CSGT nhằm tránh sự lạm quyền của người trưng dụng và sự bất tuân từ người bị trưng dụng. Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, chỉ bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh mới có thẩm quyền và phải ban hành bằng văn bản mới được trưng dụng tài sản.
Hơn nữa, thông tư không xác định khi CSGT trưng dụng tài sản thì người nào, phương tiện nào giám sát việc trưng dụng. “Khoảng hở” này là rủi ro lớn cho cả CSGT lẫn người bị trưng dụng. Thông tư cũng không quy định chi tiết về thủ tục và các loại giấy tờ khi trưng dụng trường hợp khẩn cấp, tức sử dụng lệnh miệng. Lấy ví dụ phương tiện bị trưng dụng là chiếc điện thoại thông minh chứa mọi dữ liệu cá nhân công việc. Nếu điện thoại hư, mất hết dữ liệu quan trọng sau khi bị trưng dụng (có đủ cơ sở chứng minh), đơn vị trưng dụng có đền bù được không?
Đối chiếu Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, Thông tư 01 trái tinh thần và quy định. Nói cách khác, xét về giá trị thì quy định của luật chuyên ngành luôn có giá trị cao hơn trong tính thẩm quyền so với 1 văn bản ngành.
P.Dũng
Theo NLĐ