Covid-19 thách thức các nền tảng truyền thông xã hội trước cơn lũ tin giả

VietTimes -- Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, những thông tin sai lệnh về đại dịch này đang khiến các nhà chức trách và những “ông lớn” mạng truyền thông xã hội phải đau đầu.
“Fake news” về sự bùng phát của virus Corona như vitamin D hay nước tỏi đun sôi có thể giúp chữa khỏi bệnh đang gây hoang mang dư luận. Ảnh: SCMP
“Fake news” về sự bùng phát của virus Corona như vitamin D hay nước tỏi đun sôi có thể giúp chữa khỏi bệnh đang gây hoang mang dư luận. Ảnh: SCMP

Cơn lũ tin giả về Covid-19

Covid-19 hiện đã lan rộng ra tới 70 quốc gia trên thế giới, hơn 93.000 người bị nhiễm bệnh. Từ Trung Quốc, cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Italia,…

Mạng xã hội hiện nay đang ngập tràn những thông tin sai lệch, hầu hết đều liên quan đến các phương pháp chữa bệnh chưa được thẩm định và các thuyết âm mưu không có bằng chứng, theo AFP.

Ảnh: Business Insider
Dịch Covid-19 ngày càng lan lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Business Insider

Cụ thể, những thông tin sai lệch bao gồm lời khuyên rằng vitamin D sẽ ngăn chặn được virus, nước tỏi đun sôi là một phương pháp chữa bệnh hay virus chết người này được tạo ra ở Canada và bị các điệp viên Trung Quốc đánh cắp.


Tin giả tạo cảm giác mới lạ hơn là các sự kiện thực tế, đó là lý do tại sao mọi người thích chia sẻ những thông tin sai lệch này nhiều hơn, theo một nghiên cứu vào năm 2018 của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). “Trong khi những câu chuyện có thật thường truyền cảm hứng cho những dự đoán, nỗi buồn, niềm vui hay sự tin tưởng thì các thông tin thất thiệt thường lại lan truyền sự sợ hãi, ghê rợn và hoang mang trong dư luận”, báo cáo cho thấy.

Nhiều “ông lớn” công nghệ vào cuộc

Vào tháng trước, WHO đã tổ chức một cuộc họp tại Thung lũng Silicon với sự tham gia của nhiều “gã khổng lồ” Internet như Facebook và Twitter, nhằm thảo luận về các biện pháp để ngăn chặn thông tin sai lệch về dịch bệnh.

Trong nỗ lực ngăn chặn tin giả về Covid-19, WHO đã tạo một tài khoản trên TikTok, nền tảng video ngắn phổ biến rộng rãi trong thanh thiếu niên ở nhiều quốc gia trên thế giới để đăng tải các thông tin chính xác liên quan đến dịch bệnh.

“Về phần các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta đang sống ở một thế giới hoàn toàn khác. Nó không chỉ đơn thuần như báo lá cải, bởi bất cứ ai cũng thể lan truyền tin đồn thất thiệt”, ông Michel Hockx, một giáo sư của Đại học Notre Dame chuyên ngành Văn học và Văn hóa của Trung Quốc cho biết.

Thông tin sai lệch đã và đang trở thành một vấn đề cấp bách đối với truyền thông xã hội phương Tây kể từ cuộc bầu cử của Hoa Kỳ vào năm 2016. Trong đó, nổi cộm là Facebook với những vai trò gây tranh cãi trong việc lan truyền tin giả và phân cực chính trị.

Đại dịch Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng khiến hơn 3.200 người chết, chủ yếu là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng vô tình trở thành bài test hiệu quả để đánh giá khả năng ngăn chặn tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Trước sự phát triển nhanh chóng của dịch bệnh, Facebook đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm loại bỏ các thông tin thất thiệt, thuyết âm mưu về Covid-19. Mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết đã làm việc với 56 đối tác kiểm tra thực tế khác nhau trên 46 ngôn ngữ để đánh giá và cảnh báo những người dùng đã đọc hoặc chia sẻ các tin tức giả mạo. Hãng cũng cung cấp các quảng cáo miễn phí cho WHO và các cơ quan y tế khác cho phép họ chạy quảng cáo các chiến dịch giáo dục về virus Corona trên truyền thông xã hội, phát ngôn viên của công ty cho biết.

Ảnh: SCMP
Facebook đang sử dụng các thuật toán nhằm lọc ra các nhóm bài viết bị nghi ngờ là thông tin sai lệch. Ảnh: SCMP

Ngược lại, các mạng xã hội khác tương tự Facebook đã thực hiện một cách tiếp cận khác để kiểm soát thông tin giả về Covid-19. Twitter cho biết trong một phản hồi qua email rằng hãng chủ yếu giám sát các thao tác trên nền tảng và đảm bảo rằng nội dung đáng tin cậy sẽ xuất hiện trước khi người dùng tìm kiếm các xu hướng liên quan.


Trong một bài đăng trên blog vào tháng trước, TikTok cho biết hãng đang làm việc với các tổ chức kiểm tra bên thứ ba và thiết kế các thông báo nổi bật trên các hastag liên quan đến Covid-19 nhằm nhắc nhở người dùng thực hiện đúng các nguyên tắc cộng đồng của ứng dụng, không lan truyền các tin tức giả mạo.

Tại Trung Quốc, WHO đã hợp tác chặt chẽ với các “gã khổng lồ” internet như Tencent và Weibo để kiểm soát những tin đồn và thông tin giả mạo về đại dịch Covid-19, một đại diện cơ quan y tế của Bắc Kinh cho biết. Tuy nhiên, ở quốc gia này, nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội chủ yếu được kiểm soát bởi Cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC), đây cũng là cơ quan quản lý internet hàng đầu của công ty này.

Tháng trước, CAC cho biết cơ quan này đã trừng phạt một số nền tảng mạng xã hội vì đã cho phép đăng tải những thông tin được cho là “không phù hợp” và “dễ gây hiểu nhầm”. CAC cũng giao quyền giám sát và hướng dẫn người dùng cho các hãng Tencent, Sina, ByteDance trong quá trình vận hành các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất của quốc gia.

Bất chấp những nỗ lực đó, tin tức giả về dịch bệnh vẫn không ngừng tràn lan trên mạng xã hội. Ngày 9/2, hình ảnh bản đồ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) của trang Windy.com cho thấy mức độ đioxit lưu huỳnh tăng cao đến mức báo động ở tâm dịch Vũ Hán, nơi Covid-19 bùng phát kể từ tháng 12.2019. Từ đó, hàng loạt thuyết âm mưu lẫn tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng đây là dấu hiệu thể hiện Trung Quốc hỏa táng hàng loạt nạn nhân tử vong vì virus Corona để che đậy con số người chết thật sự.

Tuy nhiên, một cơ quan y tế ở Mỹ cho rằng việc đốt các chất thải y tế cũng như một số ngành công nghiệp nặng ở Vũ Hán, chẳng hạn như luyện thép cũng là nguyên nhân khiến hàm lượng lưu huỳnh dioxit ở thành phố này tăng cao.

Trên Facebook, các tin tức có nội dung tương tự như trên đã không được phép chia sẻ kể từ giữa tháng 2, nhưng một số bài đăng như vậy vẫn chưa bị gắn nhãn tin giả. Hãng cho biết công ty đã sử dụng các thuật toán để lọc ra một nhóm các thông tin nghi ngờ là giả mạo cho bên kiểm tra thực tế. Bên này sẽ đánh giá tin tức dựa trên những phản hồi của người dùng, hoặc xem xét các nội dung đã bị bác bỏ trước đó.

Twitter ngăn chặn các thông tin sai lệch chủ yếu dựa trên các báo cáo spam vi phạm. “Tất cả mọi người đều có vai trò nhất định trong việc đảm bảo các tin giả không bị lan truyền trên mạng. Chúng tôi cũng khuyến khích người dùng của mình không chia sẻ thông tin trừ khi họ có thể xác minh đó là sự thật”, một đại diện của Twitter cho biết.

“Tôi lại không nghĩ rằng việc tăng cường kiểm duyệt sẽ giúp ngăn chặn thông tin sai lệch trừ khi tất cả các nền tảng đều cùng nhau thực hiện”, Niam Yaraghi, trợ lý giáo sư tại Đại học Connecticut nêu quan điểm.

“Khi chỉ có một vài nền tảng thực hiện điều đó, mọi người sẽ lại chuyển sang các nền tảng khác không kiểm duyệt. Thậm chí, theo một hướng xấu hơn, người dùng có thể tin vào các nền tảng thay thế nhiều hơn”, ông Kevin Yaraghi nói.

Tình trạng “ngộ độc” thông tin của người dân Trung Quốc, tin vào tin đồn hay truyền thông nhà nước?

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Tại Trung Quốc, các nền tảng truyền thông xã hội thường dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ để xác thực các tin đồn. Weibo, một nền tảng tương tự như Twitter đã gửi thông báo hằng ngày về những tin giả liên quan đến Covid-19 đã bị phía cơ quan an ninh, truyền thông của nhà nước bác bỏ.


Tuy nhiên, cư dân mạng vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi về độ tin cậy từ các nguồn tin của chính phủ Trung Quốc kể từ sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên đưa ra cảnh báo về dịch Covid-19 nhưng đã bị cảnh sát Vũ Hán khiển trách. Thậm chí cảnh sát nước này còn buộc anh ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

“Không có một nguồn tin đáng tin cậy ở Trung Quốc để cung cấp cho mọi người thông tin chính xác”, Giáo sư Tang Deliang của Đại học Columbia cho biết. Theo ông Tang, CDC của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Trung Quốc) thực chất chỉ là nhóm hỗ trợ của các quan chức chính phủ. CDC có thông tin điều tra nhưng họ không có quyền đưa ra thông tin đó.

“Lý do khiến người Trung Quốc tin vào một số tin đồn là vì chính phủ Trung Quốc đã không thể mang lại cho họ cảm giác đáng tin cậy. Chính phủ cần phải có được lòng tin của mọi người”, Giáo sư Tang chia sẻ.

Ảnh: CNN
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên đưa ra cảnh báo về dịch bệnh đã qua đời vì nhiễm Covid-19. Ảnh: CNN

Sau cái chết của bác sĩ Lý, nhiều người đã bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hệ thống tin tức bị chính phủ kiếm soát. Tòa án Nhân dân tối cao ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã xuất bản một bài báo vào cuối tháng 1, trong có viết rằng, một số tin đồn ngay cả khi không hoàn toàn chính xác vẫn có thể được chấp nhận.


Liên quan đến bác sĩ Lý và những người khác bị trừng phạt vì đã đưa ra cảnh báo về một dịch bệnh mới, thẩm phán Tang Xinghua, tác giả của bài báo trên viết: “Sẽ là một điều may mắn nếu công chúng tin vào tin đồn và bắt đầu đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp vệ sinh và tránh xa khu chợ động vật hoang dã”, nơi được cho là nguồn gốc của dịch Covid-19 ở Vũ Hán.

Vào ngày 3/3 vừa qua, CAC cho biết cơ quan này đã xử lý 8.277 báo cáo về thông tin sai lệch có hại trên mạng xã hội, bao gồm việc lợi dụng dịch bệnh để kích động xã hội theo hướng tiêu cực, phát tán thông tin sai lệch và kích động phân biệt chủng tộc.

Có thể nói rằng cuộc chiến chống lại tin giả là cuộc chiến của tất cả mọi người. Và dịch Covid-19 không chỉ là thách thức đối với nền y tế thế giới mà còn trở thành công cụ kiểm chứng khả năng ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch của các nền tảng truyền thông xã hội. Bên cạnh đó, trước sự đa dạng của hệ thống tin tức hiện nay, các cơ quan nhà nước cần có nhiều biện pháp thiết thực hơn để trở thành nguồn tin đáng tin cậy của người dân.

Theo SCMP