Công ty TSMC Đài Loan bị cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ-Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tờ Financial Times của Anh đưa tin, chính phủ Mỹ muốn hãng TSMC, công ty thống trị ngành bán dẫn toàn cầu, chuyển thêm dây chuyền sản xuất sang Mỹ, nhưng phía Đài Loan vẫn cự tuyệt.
Hãng sản xuất chip của Đài Loan đang bị kẹt trong cuộc chiến về chip Mỹ - Trung (Ành: Thewirechina).
Hãng sản xuất chip của Đài Loan đang bị kẹt trong cuộc chiến về chip Mỹ - Trung (Ành: Thewirechina).

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8/2022 được coi là một động thái hỗ trợ Đài Loan chống lại mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Nhưng khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tiếp bà Pelosi, người sáng lập TSMC Morris Chang (Trương Trọng Mưu) và chủ tịch hiện tại Mark Liu (Lưu Đức Âm) cùng được mời dự đã nhắc nhở mọi người rằng tình hữu nghị giữa Đài Loan và Mỹ cũng đang tiềm ẩn căng thẳng.

Ông Morris Chang đã thẳng thắn nói với bà Pelosi rằng nỗ lực của Washington nhằm xây dựng lại ngành sản xuất chip ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thất bại. Một nguồn tin nghe được cuộc trò chuyện cho biết ông Chang "khá thẳng thừng và các vị khách quý có chút ngạc nhiên."

TSMC không chỉ là trung tâm của trận chiến Mỹ - Đài Loan, mà còn ở vào tuyến đầu của Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung khốc liệt.

Đài Loan coi vị trí hàng đầu của họ trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu như một " silicon shield” (lá chắn silicon), là một bảo đảm an ninh quan trọng, người ta tin rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ nhất định sẽ đến ứng cứu.

Người sáng lập TSMC Morris Chang và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: Newtalk).

Người sáng lập TSMC Morris Chang và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

(Ảnh: Newtalk).

Nhưng quyết tâm của Đài Loan trong việc tìm cách giữ ngành công nghiệp bán dẫn ở trong biên giới của mình càng nhiều càng tốt, trái ngược với các mục tiêu chiến lược và mối lo ngại của Mỹ về Trung Quốc.

Với việc cạnh tranh Mỹ-Trung nóng lên và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự về Đài Loan gia tăng, Washington đang cố gắng cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn tiên tiến quan trọng của Trung Quốc đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung chip của Đài Loan. Cả hai mục tiêu này đều có thể gây bất lợi cho TSMC, vì sự thành công của họ đến từ việc phục vụ khách hàng ở tất cả các thị trường và xây dựng các cụm nhà máy giá thành hợp lý gần như hoàn toàn ở Đài Loan.

Ông Hứa Sơ Nhân, cựu nghị sĩ Quốc dân đảng Đài Loan, cho biết: “tấm chắn silicon đang biến thành ba chân”. Ông Hứa hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Harvard Kennedy School, nói rằng một mặt, Mỹ gây áp lực buộc TSMC phải di chuyển sang Mỹ, mặt khác, Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh công nghệ, làm gia tăng căng thẳng và khiến Đài Loan lâm vào nguy hiểm.

Vào đầu tháng 10, Mỹ đã công bố các biện pháp quản chế sâu rộng để chặn xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip và hạn chế bán một số chất bán dẫn nhất định cho Trung Quốc, các biện pháp này đã làm mờ đi triển vọng của ngành công nghiệp chip nói chung của Trung Quốc.

TSMC nói rằng các biện pháp mới có tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh hiện tại, nhưng Giám đốc điều hành TSMC C.C. Wei (Ngụy Triết Gia) nói với các nhà đầu tư rằng ảnh hưởng lâu dài vẫn chưa được đánh giá. Vấn đề đối với TSMC là Washington cũng đang thúc đẩy đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất chip và tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Đài Loan.

TSMC đang xây dựng một Nhà máy sản xuất chip quy mô lớn ở Arizona (Ảnh: CNBC).

TSMC đang xây dựng một Nhà máy sản xuất chip quy mô lớn ở Arizona

(Ảnh: CNBC).

TSMC hiện đang xây dựng một nhà máy ở Arizona, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất sản phẩm hàng loạt vào năm 2024. Tuy nhiên, quy mô và trình độ công nghệ của nhà máy này không bằng nhà máy sản xuất chip 2nm mới mà TSMC sẽ đặt tại Đài Loan. Quy trình 2nm là thế hệ công nghệ chip mới nhất và dự kiến ​​ sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt sau chip 3nm.

Paul Triolo, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và công nghệ tại Albright Stonebridge Group, một công ty tư vấn của Mỹ, cho biết: “Trước khi TSMC, Samsung và Intel đều xây dựng các nhà máy tiên tiến trên quy mô lớn ở Mỹ, hạ thấp việc giảm sự phụ thuộc vào TSMC về chip tối tân… sẽ không bị giảm bớt”.

Nhưng ngay cả tới khi đó, chỉ một phần của chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi. Intel, TSMC và Samsung thiết lập các nhà máy ở Mỹ để sản xuất các chip tiên tiến chủ yếu hỗ trợ các ngành công nghiệp máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và máy chủ. Những con chip được các nhà sản xuất ô tô sử dụng kém tiên tiến hơn, khiến chúng kém khả thi hơn để sản xuất ở Mỹ vì chi phí cao hơn.

Chuyên gia bán dẫn Peter Hanbury nói, đầu tư nhiều cũng không giúp ích được gì cho chuỗi cung ứng quốc phòng, vì các ứng dụng duy nhất của chính phủ chỉ chạy trên trí tuệ nhân tạo, công nghệ mã hóa và siêu máy tính, tỷ lệ chip tiên tiến chỉ chiếm chưa đến 5%.

Tuy Tổng thống Mỹ Joe Biden rất lạc quan, nhưng Đạo luật Khoa học và CHIPS (CHIPS and Science Act) mà ông đã ký vào tháng 8 có thể vẫn còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu.

Ông Dick Thurston, cựu giám đốc pháp lý của TSMC nói, sự thay đổi trong điều kiện huy động vốn cho nhà máy và cách làm hiện tại có thể dẫn đến những thảm họa trong tương lai: “Sẽ có nhiều ảo tưởng bị tắt ngấm, thực tế ngành chế tạo bán dẫn của Mỹ có thể vì thế mà lâm vào khốn quẫn. Nếu muốn thành công, phải đầu tư số tiền lớn gấp nhiều lần trong thời gian ít nhất từ ​​10 đến 15 năm”.

TSMC không muốn thảo luận về việc liệu công ty có bị ảnh hưởng bởi sự thúc đẩy thay đổi của Mỹ hay không, chỉ nói rằng "Chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề địa chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan đang ngày càng được chú ý nhiều hơn, đây cũng là một vấn đề đã có từ nhiều thập kỷ. Nhưng chúng tôi hiện đang không thấy những căng thẳng này ảnh hưởng đến hoạt động của TSMC. Kế hoạch hoạt động hiện tại của TSMC ở Đài Loan là bền vững. Tất cả các quốc gia và mọi người trong mọi lĩnh vực của ngành công nghệ đều biết rằng sự thành công và vận hành của một hệ sinh thái bán dẫn đa dạng và phức tạp đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu."

Trong khi đó, theo trang tin Đài Loan Newtalk ngày 24/10 dẫn tin của Bloomberg, TSMC đã đình chỉ việc sản xuất chip tiên tiến cho Công ty Trung Quốc Shanghai Biren Technology để đảm bảo tuân thủ các quy định về chip của Mỹ. Mặc dù TSMC vẫn chưa xác định liệu các sản phẩm của Biren có đáp ứng được ngưỡng giới hạn wafer của Mỹ hay không, nhưng TSMC đã quyết định ngừng cung cấp chip cho Biren kể từ bây giờ.

TSMC đã quyết định không cung cấp chip tiên tiến cho Shanghai Biren Technology(Ảnh: Newtalk).

TSMC đã quyết định không cung cấp chip tiên tiến cho Shanghai Biren Technology(Ảnh: Newtalk).

Được thành lập vào năm 2019, Biren Technology được thế giới bên ngoài đánh giá là đối thủ được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với NVIDIA của Mỹ. NVIDIA hiện đã không còn bán các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất cho Trung Quốc, nhưng Biren vào mùa hè này đã cho biết hiệu suất chip của họ đã vượt qua chip A100 của NVIDIA và họ đã cho ra mắt bộ xử lý đồ họa đa năng đầu tiên, tạo ra một kỷ lục mới về số phép tính toàn cầu, được thực hiện bởi chip TSMC 7nm. Thế giới bên ngoài cho rằng một khi được sản xuất hàng loạt sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ tự cung cấp chip cao cấp của Trung Quốc.

Nhà Trắng hôm 10/7 đã thông báo lệnh cấm rộng rãi đối với xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, hạn chế công nghệ Trung Quốc có thể được sử dụng cho quân sự. Biren cho rằng các biện pháp quản chế xuất khẩu mới nhất của Mỹ không bao gồm các chip AI của công ty do TSMC sản xuất, vì các thông số kỹ thuật sản phẩm của công ty không đạt tới tiêu chuẩn bị hạn chế. Tuy nhiên, theo tin tức mới nhất, TSMC dù vẫn chưa xác định liệu sản phẩm của Biren có đáp ứng được ngưỡng hạn chế chip của Mỹ hay không, nhưng đã quyết định ngừng cung cấp từ bây giờ để tuân thủ các quy phạm của chính phủ Mỹ về hạn chế chip.

Người phát ngôn của Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ (BIS) nói: "Mặc dù BIS không bình luận về hành động của các công ty riêng lẻ, nhưng chúng tôi hy vọng tất cả các công ty sẽ tuân thủ các biện pháp quản chế xuất khẩu và kể từ khi lệnh cấm được công bố vào ngày 10/7, Cục đã tích cực thúc đẩy, giáo dục các công ty bị ảnh hưởng và hỗ trợ họ tuân thủ các quy định."