Công ty Trung Quốc phát triển hệ thống hỗ trợ lái xe, cạnh tranh trực tiếp với Autopilot của Tesla

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc cạnh tranh giữa các công ty xe điện lớn nhất thế giới sắp nóng lên. Theo một bản tin mới trên Car News China, hãng BYD chuẩn bị ra mắt hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS), đối thủ của Autopilot Tesla.

Nguyên mẫu xe Han của công ty BYD Trung Quốc.
Nguyên mẫu xe Han của công ty BYD Trung Quốc.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, Tesla đạt được kỷ lục, giao 422.875 xe, duy trì vị thế dẫn đầu thị trường xe điện Mỹ. BYD tiếp tục thống trị tại Trung Quốc, bán được 264.664 xe chạy hoàn toàn bằng điện trong quý I, vượt qua Volkswagen về doanh số bán xe du lịch.

Sự cạnh tranh giữa hai doanh nghiệp sắp vượt ra ngoài phần cứng. Một báo cáo mới từ Viện nghiên cứu HiEV, một tổ chức tư vấn về xe điện Trung Quốc cho biết, BYD sẽ tung ra hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, điều hướng tốc độ cao (NOA) mới, được gọi là DNP vào quý 3 năm 2023.

Theo trang Car News China, mẫu xe điện đầu tiên được trang bị phần mềm này sẽ là mẫu sedan EV cao cấp Han 2023 sắp ra mắt, dự kiến có mặt trên thị trường Quý 4 năm 2023. ADAS mới của BYD cũng được trang bị trong thương hiệu F cao cấp sắp tới của hãng, trong đó có mẫu xe bán tải điện đầu tiên từ phân khúc sản phẩm mới, đối thủ cạnh tranh của Mercedes G-Wagon chạy điện với công suất 650 mã lực, giá khởi điểm dự kiến ​​khoảng 400.000 đến 600.000 nhân dân tệ (58.000 đến 87.000 USD).

Theo chức năng, phần mềm DNP sẽ hỗ trợ lái xe trên đường cao tốc và có thể được nâng cấp để có thêm khả năng lái xe được hỗ trợ trên một số đường phố đô thị.

HanEV02.jpg
Xe Seal của BYD. Ảnh: BYD
ModelEV.jpg
Xe Tesla Model 3. Ảnh: Tesla

BYD tăng cường cạnh tranh với Tesla với ADAS mới

Hãng BYD đang cạnh tranh trực diện với Tesla trên thị trường xe điện Trung Quốc, đang mở rộng với tốc độ chóng mặt. Mặc dù cả hai hãng xe thường được so sánh với nhau, nhưng cả 2 công ty khác nhau có một sứ mệnh chung, thúc đẩy phát triển sử dụng xe điện thay thế xe nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng khí thải từ những phương tiện giao thông đường bộ thông thường.

BYD, khởi đầu là công ty sản xuất pin điện, phát triển thành nhà sản xuất ô tô, mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực cung cấp xe điện giá cả phải chăng. BYD EV cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe Tesla ở Trung Quốc trên cơ sở giá thành ưu đãi hơn. Ví dụ, BYD Seal rẻ hơn 15% so với Model 3 và BYD Song SUV cung cấp nhiều tùy chọn hơn với thông số tương tự và giá thấp hơn Model Y. Đến thời điểm này, BYD mở ra một lĩnh vực cạnh tranh khác mà từ trước đến nay Tesla không bị thách thức về chất lượng, phần mềm hỗ trợ lái xe.

Báo cáo Viện nghiên cứu HiEV cho thấy, BYD hướng đến phần mềm hỗ trợ lái xe trên đường cao tốc, cho thấy công nghệ này sẽ cạnh tranh với Autopilot của Tesla và ADAS 'XNGP' mới của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc XPeng.

Ngay từ ban đầu, Tesla đã tập trung theo hướng phần mềm công nghệ tự lái, bao gồm Xe tự lái hoàn toàn “Full Self Driving” (FSD) và Autopilot. FSD là phần mềm lái xe hoàn toàn tự động trong tương lai trong giao thông thành phố và đường đô thị. Phần mềm này chưa được cung cấp ở Trung Quốc, nhưng chắc chắn Tesla sẽ sớm ra mắt để cạnh tranh với các phần mềm do các công ty Trung Quốc phát triển. Autopilot là một hệ thống ADAS tiêu chuẩn chủ yếu dành riêng cho hỗ trợ lái xe trên đường cao tốc.

DNP của BYD cũng tập trung vào hỗ trợ lái xe trên đường cao tốc, cạnh tranh với Autopilot ADAS. Đồng thời có thông tin cho rằng, BYD có thể sẽ ra mắt phần mềm cạnh tranh với FSD trong tương lai.

Nếu ra mắt Lái xe hoàn toàn tự động (FSD), BYD cũng sẽ cạnh tranh với Xpeng, công ty đang có phương thức tiếp cận tương tự như Tesla. Xpeng phát triển hệ thống XNGP (ADAS) lái xe trên đường cao tốc, đối thủ cạnh tranh Autopilot của Tesla và BYD DNP và gần đây đã ra mắt NGP (Lái xe có hướng dẫn điều hướng) tiên tiến nhất của công ty dành cho lái xe trong thành phố và đô thị, bước tiếp theo cạnh tranh với FSD của Tesla.

Theo sau BYD Han, những chiếc SUV Tang và Song sẽ có DNP cùng với những thương hiệu thứ cấp của BYD là Denza và Yangwang. Thương hiệu F sắp ra mắt chắc chắn được trang bị DNP nâng cấp trong tương lai.

BYD hiện đang hợp tác với Horizon Robotics, công ty cung cấp cho BYD chip lái xe tự hành Journey 5. Han 2023 với DNP sẽ được phát triển trên chip Journey 5 với cảm biến 11V5R, định vị độ chính xác cao của JueFX và bộ điều khiển miền của Neusoft Reach. Thế hệ xe Han EV hiện nay không có cảm biến Lidar và mẫu xe mới dự kiến ​​cũng không được trang bị cảm biến này.

Horizon Robotics là nhà cung cấp các giải pháp lái xe tự động do Volkswagen hậu thuẫn tại Trung Quốc, hiện đang làm việc với các khách hàng như Li Auto, DiDi và Pony.ai. Năm 2022, VW đầu tư vào liên doanh với Horizon Robotics hơn 2,3 tỉ USD thông qua Chi nhánh phát triển phần mềm điều khiển xe EV Volkswagen “SW CARIAD” nắm giữ 60% cổ phần trong liên doanh.

BYD cũng hợp tác với Nvidia về công nghệ lái xe thông minh, sẽ sử dụng nền tảng lái xe thông minh hệ thống trên chip Nvidia DRIVE Orin SoC trong ô tô của công ty trong tương lai.

Đồng thời BYD không muốn chỉ phụ thuộc vào HR hay Nvidia và đã công bố hợp tác về ADAS và phần mềm xe tự lái với Baidu, Huawei, Momenta, nhà sản xuất Lidar RoboSense và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI, công ty cung cấp ADAS và phần mềm xe tự lái cho thương hiệu xe Baojun của Liên doanh sản xuất xe ô tô điện SGMW.

Theo Electrek