Công nghệ thực tế ảo tăng cường trong báo chí truyền thông đa phương tiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bên cạnh sự hỗ trợ của thiết bị và mạng internet, ngành báo chí – truyền thông gần đây đã mang công nghệ mới phục vụ độc giả, đó là công nghệ thực tế ảo VR và thực tế ảo tăng cường AR.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong báo chí truyền thông. Ảnh minh họa.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong báo chí truyền thông. Ảnh minh họa.

Tuy mới xuất hiện trong những năm gần đây, công nghệ thực tế ảo đã mang đến nhiều tiện ích đến người dùng. Thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality) cho phép trải nghiệm những yếu tố ảo của công nghệ VR (Virtual Reality) trong không gian thật.

Điểm vượt trội trong công nghệ AR là sự chân thực của hình ảnh, dữ liệu khi “xuất hiện” bên ngoài môi trường thực tế, giúp người đọc, người xem dễ hình dung. Hiện, công nghệ AR được ưa chuộng trong nhiêu lĩnh vực như bất động sản, trò chơi điện tử, bán lẻ, truyền hình,… Đặc biệt, lĩnh vực báo chí truyền thông đa phương tiện hiện nay đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Có thể nói, sự phát triển của công nghệ đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến phương thức vận hành của nền báo chí truyền thông hiện đại.

Báo chí - truyền thông kỹ thuật số gần đây chủ yếu vẫn là phiên bản trực tuyến của các bài báo in truyền thống, đi kèm với video và âm thanh để người đọc dễ hình dung hơn. Từ đó, người đọc không còn “mặn mà” với những tờ báo in truyền thống. Câu hỏi đặt ra đối với những người làm báo in là phải làm sao giữ chân được bạn đọc? Vấn đề bức thiết buộc những người làm báo in phải tìm hướng phát triển mới cho tờ báo.

Công nghệ thực tại tăng cường AR mang lại nhiều lợi ích cho báo in. Ảnh minh họa.

Công nghệ thực tại tăng cường AR mang lại nhiều lợi ích cho báo in. Ảnh minh họa.

Sự ra đời của công nghệ VR và AR là một trong những đột phá lớn của ngành báo chí truyền thông. Công nghệ thực tế ảo đã bước đầu được nghiên cứu và triển khai, phục vụ sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện tại nhiều nước trên thế giới. Đặc điểm của loại hình báo chí này là giúp công chúng tiếp nhận thông tin với cảm giác như đang "nhập vai" vào nhân vật đang hiện diện trong môi trường diễn ra thông tin.

Hiện nay, thuật ngữ “Immersive Journalism” (tạm dịch là báo nhúng) đã ra đời, nhằm gọi tên các tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ thực tế ảo.

Cách kể chuyện mới lạ

Với báo mạng điện tử, thông tin loại hình này cung cấp giúp công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả ba hình thức đọc, nghe và nhìn. Trong khi đó, công chúng chỉ có thể đọc và nhìn khi sử dụng báo in truyền thống.

Với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo ứng dụng trong cả báo mạng và báo in, công chúng còn có thể tiếp nhận thông tin trực quan hơn, bởi họ như được tham gia vào thời điểm xảy ra sự kiện. Trong không gian ảo tái hiện lại sự kiện, các nhân vật được mô phỏng lại theo khuôn mặt, hình dáng và hành động tương tự các nhân vật. Âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo hiện trường.

Có thể nói, một tác phẩm báo nhúng tạo ra đỉnh cao về sự tương tác giữa công chúng với tác phẩm báo chí. Công chúng có thể “du hành” và “đắm chìm” trong thế giới ảo - nơi sự kiện, vấn đề đang được tái tạo lại.

Ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong báo chí vẫn còn rất mới mẻ, thậm chí chưa có nhiều công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, công nghệ thực tế ảo đang dần trở nên phổ biến ở nước ta, được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, nhìn lại những bước tiến trong lịch sử báo chí, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại, có thể thấy báo chí Việt Nam luôn vận động theo xu hướng của báo chí thế giới. Công nghệ báo nhúng chắc chắn không nằm ngoài xu thế đó.

Thực tại tăng cường có làm sống dậy báo in? Ảnh minh họa.

Thực tại tăng cường có làm sống dậy báo in? Ảnh minh họa.

Lợi ích AR mang lại cho báo in

Công nghệ thực tế ảo tăng cường đã mang đến một lối kể chuyện mới cho báo in với các nội dung đa phương tiện. Việc ứng dụng công nghệ AR có thể giúp các nhà sản xuất báo in bổ sung đa dạng nội dung số vào ngữ cảnh của tin tức, bên cạnh nội dung truyền thống (văn bản và hình ảnh tĩnh).

Thông qua chiếc điện thoại thông minh, máy tính hay tablet, nội dung tin tức có thể hiển thị luồng video của một cuộc phỏng vấn, trailer của một bộ phim, một sự kiện hay bất kỳ một sự việc liên quan nào. Nhờ việc tích hợp như vậy, thông tin trở nên sống động, hấp dẫn hơn. Theo đó, công chúng sẽ được tiếp nhận nhiều thông tin hơn so với lượng thông tin bị giới hạn trên mặt báo - một nhược điểm lớn từ trước đến nay của báo in so với báo điện tử.

Bên cạnh đó, việc nhúng AR trên các trang quảng cáo của báo in đang trở thành tiềm năng mới. Công nghệ này có thể coi là cơ hội cho quảng cáo - tiếp thị trên báo in, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp có xu hướng “rời bỏ” loại hình này bởi hạn chế hình thức truyền tải thông tin.

Đào tạo trong ngành báo chí cần tạo ra những thay đổi lớn

Đáp ứng những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số, Đại học Phương Đông cung cấp chương trình đào tạo cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện. Không chỉ tập trung vào lý thuyết và mô hình truyền thông truyền thống, mô hình đào tạo này còn áp dụng các công nghệ 4.0 vào các bài thực hành và dự án. Các kiến thức được giảng dạy tại chương trình Cử nhân Truyền thông đa phương tiện cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của cuộc CMCN 4.0 như AI, VR/AR, Blockchain hay Personalized Advertising. Sinh viên có cơ hội trải nghiệm đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện trong thời đại số.

Để hiện thực hóa những khẳng định trên, nhóm tác giả bao gồm giảng viên và sinh viên của Đại học Phương Đông đã xây dựng một sản phẩm ứng dụng thực tế ảo tăng cường trong báo in truyền thống. Nhờ tính năng trải nghiệm mới mẻ, ứng dụng giúp người đọc quên đi cảm giác cầm trên tay một tờ báo in.

Video mô phỏng công nghệ thực tế ảo trong báo chí.

Ngày nay, công nghệ thực tế ảo đang được nhiều tờ báo lớn trên thế giới quan tâm như The Straits Times của Singapore, National Post của Canada,... Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng ràng AR là công nghệ làm sống dậy báo in trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

Nonny de la Peña, Peggy Weil, Joan Llobera, Elias Giannopoulos, Ausiàs Pomés, Bernhard Spanlang, Doron Friedman, Maria V Sanchez-Vives, Mel Slater “Mmersive Journalism: Immersive Virtual Reality for the First-Person Experience of News”, journal Presence: Teleoperators and virtual environments,volume (19), number (4), pages 291-301,2010, publisher MIT Press.