Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng đoạt Giải chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cung cấp hơn 260 tập dữ liệu sử dụng trực tuyến, sở hữu hơn 60.000 người dùng, cùng hơn 300.000 lượt truy cập, Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng vừa đoạt Giải chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam năm 2020.
Giao diện Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng
Giao diện Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng

Nền tảng trụ cột để Đà Nẵng trở thành "TP thông minh"

Sau khi xây dựng khung định hướng phát triển Đà Nẵng theo hướng “đô thị thông minh”, Đà Nẵng sớm bắt tay vào xây dựng hệ thống tài nguyên phục vụ chiến lược này và hình thành kho dữ liệu số mở trực tuyến là trụ cột kiến trúc cho mô hình TP thông minh được Đà Nẵng đặt ra.

“Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu số được xem là nguyên liệu của việc vận hành TP thông minh và đây là hợp phần quan trọng của định hướng đó. Chính vì vậy, việc hình thành Cổng dịch vụ dữ liệu được Đà Nẵng đặt ra như một phần tất yếu” - ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng - cho hay.

Cổng dịch vụ dữ liệu, làm nền tảng hỗ trợ công tác thu thập, tổng hợp, chia sẻ, công khai dữ liệu theo hình thức mở phục vụ nhu cầu khai thác, nghiên cứu, tra cứu của tổ chức, cá nhân; đồng thời cho phép tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu của mình theo hình thức dịch vụ dữ liệu.

Sau 1 năm xây dựng, tháng 10/2019, Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã đưa Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng (địa chỉ: https://opendata.danang.gov.vn/) chính thức đưa vào vận hành, cung cấp các thông tin nhà nước, chính quyền được phép trên địa bàn TP Đà Nẵng. Và sau khi đưa vào sử dụng, Cổng dữ liệu được giao cho Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng vận hành kỹ thuật, thu thập, xử lý, cập nhật dữ liệu và cung cấp đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng cung cấp hơn 260 tập dữ liệu trực tuyến
Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng cung cấp hơn 260 tập dữ liệu trực tuyến

Đến nay, Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng đã phục vụ cho hơn 60.000 người dùng và với khoảng 300.000 lượt truy cập thường xuyên để tìm kiếm, khai thác thông tin.

“Các dữ liệu kinh tế - xã hội, dữ liệu chuyên ngành từ các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng, dữ liệu tổng hợp là nhiệm vụ rất cần thiết trong bối cảnh mở rộng, phát triển công nghệ thông tin và xây dựng TP thông minh của Đà Nẵng. Việc cung cấp thông tin dữ liệu công khai, minh bạch dữ liệu thực hiện trên môi trường mạng để người dân tiếp cận không chỉ là xu hướng phát triển chuyển đổi số mà còn là bắt buộc theo Luật tiếp cận thông tin ngày 6/4/2016” - ông Thạch cho biết thêm.

Mô mình minh bạch mang tính đột phá

Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, đây mà mô hình mới tại Việt Nam nên trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, sở này đã cùng với một số doanh nghiệp tự nghiên cứu, xây dựng mô hình, giải pháp, đưa vào sử dụng và dần dần hoàn thiện.

Hệ thống văn bản pháp quy chính thống được cung cấp công khai cho người dân, tổ chức
Hệ thống văn bản pháp quy chính thống được cung cấp công khai cho người dân, tổ chức

Giao diện của Cổng dữ liệu mở được thiết kế đơn giản, dễ dùng với các menu, thanh công cụ hướng dẫn đầy đủ cho người dân tra cứu thông tin trên mọi lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, y tế sức khỏe… Hay chi tiết hơn về các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, thông tin doanh nghiệp, cơ sở y tế. Thậm chí, tại Cổng dữ liệu, nười dân, tổ chức có thể đặt lịch hẹn giờ giao dịch thủ tục hành chính, khám chữa bệnh… Và đặc biệt là các thông tin được cập nhật liên tục và kết nối tra cứu thông qua hệ thống tin nhắn SMS, Zalo đưa đến tận tay người dùng.

“Ứng dụng không chỉ hỗ trợ người dùng tìm kiếm, khai thác các dữ liệu mở trên nhiều nền tảng mà còn cho phép người dân tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội. Đối với doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp có nhu cầu khai thác dữ liệu có thể sử dụng các tập dữ liệu để phân tích số liệu, tìm hiểu các dịch vụ liên quan, nghiên cứu thị trường... phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí sử dụng API cung cấp sẵn để khai thác dữ liệu trên Cổng để xây dựng các tiện ích, ứng dụng công nghệ mới phục vụ tại doanh nghiệp hoặc cộng đồng, người dân” – ông Thạch chia sẻ.

Với kho dữ liệu mở này, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng để tạo ra sản phẩm mới như: sử dụng API dữ liệu điểm tập kết thùng rác tạm để làm ứng dụng thông minh về môi trường; sử dụng API thông tin dịch tễ COVID-19 để tạo bản đồ COVID-19, xây dựng dashboard số liệu COVID-19 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tra cứu thông tin của người dân; Tổng đài 1022 Đà Nẵng sử dụng API để cung cấp điểm thi qua Cổng tra cứu điểm thi Tổng đài (1022.vn/diemthi);…

Không chỉ hữu ích với cộng đồng doanh nghiệp, công dân, Cổng dữ liệu còn giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tập trung dữ liệu, công khai, minh bạch số liệu, công khai thông tin đến người dân, doanh nghiệp ; Cán bộ, cơ quan nhà nước có thể tra cứu các dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác chuyên môn liên quan đến bộ phận mình công tác.

“Cổng dữ liệu mở sẽ góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạođể khai thác dữ liệu tạo ra sản phẩm mới, giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của TP. Đà Nẵng” – ông Trần Ngọc Thạch chia sẻ.

Việc cung cấp dữ liệu, dịch vụ thủ tục hành chính được tích hợp qua hệ thống tổng đài 1022, tin nhắn SMS và Zalo
Việc cung cấp dữ liệu, dịch vụ thủ tục hành chính được tích hợp qua hệ thống tổng đài 1022, tin nhắn SMS và Zalo

“Với những kết quả ban đầu, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở từ các nguồn dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước, của các doanh nghiệp, tổ chức khác trên địa bàn để phục vụ nhu cầu tra cứu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó sẽ tiếp mở rộng thêm các chức năng phục vụ người khai thác dữ liệu như xem dữ liệu dưới dạng bản đồ, dashboard; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo hướng cung cấp dữ liệu mở, kết nối với cổng dữ liệu các địa phương và Cổng dữ liệu quốc gia.”- ông Thạch cho hay.

Với những kết quả bước đầu như vậy, sản phẩm đã vinh dự đạt giải xuất sắc tại Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020” (Vietnam Digital Award 2020) do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức dự kiến trao giải vào trung tuần tháng 9/2020.