Công an khẳng định chị Hồng sẽ nhận trọn 5 triệu yen

Công an xác định không có tranh chấp về số tiền 5 triệu yen và sẽ trao trả số tiền này cho chị Hồng. Sẽ lập hội đồng tư vấn cách thức trả tiền cho đúng luật, trong khi chuyên gia pháp luật bảo chỉ cần lập biên bản giao trả tiền là xong.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng vui mừng trước thông tin sẽ được bàn giao số tiền 5 triệu yen.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng vui mừng trước thông tin sẽ được bàn giao số tiền 5 triệu yen.

Chiều 19-5, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đã mời chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng lên thông báo về việc sẽ lập hội đồng tư vấn để bàn giao số tiền 5 triệu yen Nhật cho chị trong thời gian sớm nhất.

Lúng túng do chưa có tiền lệ

Tham gia làm việc với chị Hồng tại công an có luật sư Hà Hải, người bảo vệ miễn phí cho chị Hồng.

Tại buổi làm việc, công an thông báo đã bác đơn yêu cầu xin lại tài sản của bà Phạm Thị Ngọt (ngụ huyện Hóc Môn) vì đã hết thời hiệu giải quyết. Từ đó công an xác định không có tranh chấp về số tiền 5 triệu yen và sẽ trao trả số tiền này cho chị Hồng.

Theo luật sư Hà Hải, công an đã vận dụng khoản 2 Điều 239 BLDS để xác định sau một năm đăng tin thông báo mà không tìm được chủ sở hữu thì số tiền này hoàn toàn thuộc về chị Hồng.

Theo Công an quận Tân Bình, do vụ việc chưa có tiền lệ, luật không quy định rõ cơ quan nào, thời gian nào trao trả… nên công an quận sẽ mời các cơ quan chức năng khác lập một hội đồng tư vấn để bàn bạc, quyết định trao trả tiền theo đúng quy định. Đồng thời, công an thông báo có thể sẽ phải hoán đổi từ tiền yen Nhật sang tiền Việt Nam rồi mới bàn giao lại cho chị Hồng.

Tiếp nhận thế nào, giao trả thế ấy

Theo PSG-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM, việc Công an quận Tân Bình gặp lúng túng trong việc giao trả số tiền cho chị Hồng cũng dễ hiểu vì thực tế chưa có tiền lệ. “Nhưng cho rằng pháp luật thiếu các hướng dẫn về trình tự, thủ tục giao trả thì không đúng, bởi không cần phải hướng dẫn gì cả. Nếu việc đơn giản vậy mà cũng phải hướng dẫn thì hóa ra chúng ta đang làm phức tạp hóa các quy định, trong khi chủ trương là phải đơn giản chúng cho người dân dễ hiểu. Trong khi phía chị Hồng hơn lúc nào hết đang mong mỏi mình sớm nhận được tiền” - TS Đại nói.

TS Đại phân tích, về thủ tục Điều 239 BLDS cũng quy định rõ lúc (chị Hồng) giao tiền là: “Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp”. Như vậy khi giao trả lại số tiền này cho chị Hồng thì công an cũng lập biên bản với nội dung đúng như thế là xong, như thế là đúng luật, chẳng ai khiếu nại gì được.

Về việc công an trả bằng tiền Việt, TS Đại cho rằng nếu căn cứ theo quy định thì hơi lạ, vì luật nói giao vật nào thì trả lại vật đó. Tuy nhiên, điều này lại phù hợp với thực tế vì theo Pháp lệnh Ngoại hối thì mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện bằng tiền Việt. Hơn nữa, nếu cầm tiền Nhật thì chị Hồng cũng phải quy đổi ra để xài. “Nói chung, vấn đề này không phải là chuyện lớn, quan trọng là chị Hồng được hưởng trọn số tiền là điều chúng ta cảm thấy vui mừng rồi” - TS Đại chia sẻ.

Chị Hồng sắp được nhận lại món tiền 5 triệu yen
Chị Hồng sắp được nhận lại món tiền 5 triệu yen

Chiều 19-5, sau khi làm việc với công an trở về, chị Hồng tiếp tục công việc đi mua bán ve chai như thường ngày. Nhiều người hay tin gọi điện thoại đến chị dồn dập để chung vui. Trên môi người phụ nữ thật thà, hiền lành, chất phác không ngớt nụ cười. Chị gửi lời cảm ơn đến những người đã dành sự quan tâm, ủng hộ chị trong suốt thời gian qua. Chị chia sẻ: “Nếu được nhận số tiền trên thì trước tiên tôi sẽ dành một phần để ủng hộ cho hội người mù ở gần nơi tôi sinh sống. Tôi cũng sẽ dành một ít để làm từ thiện tại một ngôi chùa đang nuôi những trẻ em khuyết tật. Thâm tâm tôi đã tự nhủ điều này lâu nay rồi” - chị nói.

Lập biên bản giao nhận tiền là được

Khi chị Hồng giao nộp số tiền trên cho công an để tìm chủ sở hữu thì phía Công an quận Tân Bình đã tiếp nhận và vận dụng khoản 2 Điều 239 BLDS để thông báo tìm chủ sở hữu số tiền này. Hết thời hạn một năm mà không có ai là chủ sở hữu đến nhận số tiền này thì người phát hiện được xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.

Luật quy định là vậy nhưng việc này không có văn bản hướng dẫn cụ thể cách trả. Hiện nay chỉ có Nghị định số 29/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và việc quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Nói như thế cũng không có nghĩa là không vận dụng pháp luật để giao trả số tiền cho chị Hồng. Khi tiếp nhận, công an quận đã làm thủ tục lập biên bản về việc giao nộp này thì nay khi trả họ cũng có thể lập biên bản giao trả lại số tiền cho chị Hồng. Cái chính làm sao để xác lập, thể hiện được có sự giao nhận số tiền cho chị Hồng theo đúng quy định pháp luật là được.

Phía chị Hồng cũng có thể mời người làm chứng đến chứng kiến việc trả tiền hay chị cũng có thể mời thừa phát lại đến lập vi bằng sự việc trên.

NGUYỄNTHỊKIMLIÊN, Trưởng phòngCông tác thi hành pháp luật - Sở Tư pháp TP.HCM

Theo PLTP