“Có vị cấp cao hơn tớ nhiều, họ khai tài sản chỉ có 50 triệu đấy“

Vào khoảng chục năm trước. Một hôm, tôi có dịp ngồi với ông Đào Duy Quát (nguyên Phó Trưởng ban thường trực ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng) cùng với mấy người, trong đó ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên, cũng đều là chỗ khá thân tình của ông Quát .
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Các con số thống kê của chúng ta chắc là không thể chính xác tuyệt đối được
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Các con số thống kê của chúng ta chắc là không thể chính xác tuyệt đối được

Thời gian này, tôi nhớ ông vẫn  giữ chức Tổng biên tập báo Điện tử Đảng Cộng sản. Nhân hồi đó chúng ta vừa thực hiện việc Tổng kê khai tài sản theo tinh thần minh bạch tài sản đối với cán bộ có chức vụ trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác có hưởng lương nhà nước, ông Quát nói mà giọng có cái gì như hơi "đăng đắng" pha chút hài hước  xung quanh chuyện cán bộ kê khai tài sản.

Ông Đào Duy Quát tâm sự: "Cỡ" èng èng" như tớ mà cũng đâu "hèn" tới mức kê khai tài sản cá nhân ngoài ngôi nhà lồ lộ ra rồi thì khỏi chối, giấu sao được, thì tớ đâu có khai tài sản có giá trị còn lại chỉ có... 50 triệu!  Ấy thế mà các cậu có tin không, có vị cấp cao hơn tớ nhiều, họ khai tài sản chỉ có 50 triệu đấy".

Điều này cho thấy việc yêu cầu kê khai quả là hình thức và không thể nói lên điều gì cũng như giúp được gì cho Đảng, Chính phủ. Song, nếu ai hoài nghi , không hài lòng với số liệu thống kê  đó , rất có thể Tổng cục Thống kê sẽ trở thành "nỗi oan Thị Kính" trong câu chuyện cổ ngàn năm xưa...

Hôm 4.11, nghe Quốc hội bàn thảo dự án Luật Thống kê (sửa đổi), thấy nổi cộm về số liệu thống kê của Nhà nước công bố lâu nay đang bất cập do độ sai lệch khó hiểu khi GDP của tỉnh luôn cao mà sao GDP của cả nước lại thấp? Tôi bất giác nhớ lại câu chuyện của chục năm cũ qua lời một cựu cán bộ cấp cao vừa nêu, khi ông tâm sự mà tự thấy và đủ hiểu mọi điều phía sau số liệu thống kê của Việt Nam, nếu chính xác thì mới là lạ!  

Và, dù cơ quan Thống kê của Nhà nước, dù ai cũng hiểu, họ làm thống kê thì đâu có được gì mà " thích" làm đẹp số liệu để rồi chính Bộ Kế hoạch Đầu tư, đơn vị trực tiếp quản lý Tổng cục Thống kê có thể phải " chịu trận", có thể phạm những điều tai hại kiểu như "gậy ông đập lưng ông" trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô.

Tôi khá chăm chú nghe những điều Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mỗi khi  đăng đàn lâu nay. Đã nhiều lần ông" xin phép Quốc hội cho được nói với tư cách là đại biểu" mà không phải là tư cách của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư.  

Hôm rồi, đại biểu Bùi Quang Vinh nói dài gấp 3 thời gian quy định đối với mỗi đại biểu được phát biểu mỗi lần, vậy mà ông không hề bị "rung chuông" báo dừng. Hơn thế, hầu như cả Hội trường chăm chú lắng nghe cho dù có thể không ít đại biểu cũng chạm nọc khi ông thật lòng nói thẳng ra rằng, "ngay như trong số đại biểu trong chúng ta, có đại biều nhiều nhà mà không chịu kê khai..."

Như vậy là đủ thấy công tác thống kê của chúng ta, dù đã có nhiều cải tiến và học tập phương pháp khoa học của các nước văn minh, song không tránh khỏi bệnh thành tích của các địa phương thích làm đẹp báo cáo gửi về Trung ương mỗi năm.

Ông Vinh cũng bày tỏ thẳng thắn: "Các con số thống kê của chúng ta chắc là không thể chính xác tuyệt đối được, nhưng nó không đến mức méo mó như nhiều người đang nghĩ. Tôi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, tôi không chỉ đạo ai làm méo mó con số thống kê cả. Các phương pháp thống kê mà chúng ta sử dụng là những phương pháp được thế giới thừa nhận".

Là người trưởng thành từ cơ sở, hơn nữa, theo tôi biết, năm ông mới 32 tuổi, đã tham gia BCH tỉnh uỷ Hoàng Liên Sơn với chức danh Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kế hoạch tỉnh rồi những giai đoạn sau đó, cơ bản ông vẫn ở ngành này nhưng là vị trí cao hơn. 

Chính vì vậy, ông cũng thật lòng khi nói đến độ xác thực trong các con số thống kê ở cơ sở mà ông là người biết và hiểu hơn ai hết, nhất là thời kì ông giữ cương vị Chủ tịch tỉnh Lào Cai. Chuyện năng suất lúa, huyện báo cáo lên tỉnh, tỉnh không chịu và rồi "cãi nhau" không ít lần cũng chỉ vì thành tích địa phương... 

Vậy thì, ở các địa phương khác tương tự trong cả nước, liệu có "vai trò" của cấp uỷ trong "định hướng số liệu" báo cáo không?

Có lẽ, những kinh nghiệm thực tế của cơ sở trong nhiều năm Bộ trưởng Vinh làm ở ngành kế hoạch khiến ông quá hiểu câu chuyện dài kỳ khiến vừa buồn lại vừa lo này. Nỗi lo cho công tác kế hoạch ở tầm quốc gia, khi bất kỳ người đó là ông hay người khác đứng ở một tầm cao như thế đều sẽ rất trăn trở . 

Việc ông nhiều lần được giới báo chí quý trọng và nhắc  đến ông như một người hay "tự lấy đá ghè chân mình" càng cho thấy mỗi khi ông phát biểu, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội này cho đến nay, nó đâu phải là cách phát biểu của người sắp hết nhiệm kỳ thì mới dám nói mạnh. Chính vì thế, lúc nào ông trình bày, dù ở kỳ cuộc nào cũng được nhân dân lắng nghe, tìm đọc và bàn luận một cách trân trọng.

Chúng ta hy vọng rằng, trong công tác điều hành kinh tế đất nước ở góc độ làm tham mưu cho Chính phủ về kế hoạch và đầu tư, điều tối cần thiết mà ngành thống kê cần làm tốt,"cái quan trọng nhất là chính xác, làm cơ sở cho phân tích, dự báo. 

Chúng ta sống trong một thế giới, hội nhập, phải so sánh với bạn bè xem mình đang đứng ở đâu. Đây là những yêu cầu rất lớn đối với hoạt động thống kê." - Câu nói này của Bộ trưởng Vinh là điều cần được Quốc hội quan tâm, bàn thảo để Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ thật khoa học và phù hợp với quốc tế trong giai đoạn hội nhập ngày nay.

Theo Một thế giới