Quy định tưởng như rất hiển nhiên này mới được dự kiến sẽ thể hiện tại dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/3, sau khi đã tiếp thu nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra.
Một trong những yêu cầu của việc sửa đổi luật, theo cơ quan soạn thảo là bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Luật cũng được sửa đổi theo hướng đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính mà quy định về người đại diện chính là một trong những nội dung đáng chú ý.
Theo dự thảo luật, “trường hợp người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người được ủy quyền phải là người có chức danh quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng đây là một nội dung rất quan trọng, cần được cân nhắc để quy định cụ thể bảo đảm khắc phục được tính hình thức trong cơ chế đại diện hiện nay, nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hành chính.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng cần quy định chế định ủy quyền trong tố tụng hành chính theo hướng người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật tố tụng hành chính.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để thể hiện sự tôn trọng tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đảm bảo cho bản án hành chính được thi hành nghiêm minh, thì người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trực tiếp tham gia tố tụng mà không được ủy quyền cho người khác, vì chỉ họ mới có thẩm quyền thay đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật.
Giải trình các ý kiến tại cơ quan thẩm tra, Chánh án Trương Hòa Bình nêu, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện thường không tham gia tố tụng mà uỷ quyền cho người khác không có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan đến khiếu kiện hành chính, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Giải pháp xử lý vấn đề này hiện nay được ông Bình nhấn mạnh là có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có quan điểm trùng với cơ quan thẩm tra nêu trên.
Tiếp thu các ý kiến này, Toà án Nhân dân Tối cao đề nghị chỉnh lý các quy định trong dự thảo luật theo hướng người bị kiện là cá nhân phải có mặt tại phiên toà. Người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó phải có mặt tại phiên toà.
Trường hợp có lý do chính đáng thì người bị kiện có thể uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng nhưng phải được toà án chấp nhận. Người được uỷ quyền phải là người có toàn quyền thay mặt người bị kiện trong việc giải quyết đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, ông Bình cho biết.
Ngoài vấn đề nêu trên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ để quy định cụ thể hơn về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Dự thảo luật cơ bản vẫn giữ nguyên các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành về thủ tục hỏi và tranh tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như về phiên tòa giám đốc thẩm, chưa có sự thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hành chính, chưa nêu rõ tính chất tranh tụng trong từng giai đoạn tố tụng, Ủy ban Tư pháp nhận xét.
Tại kỳ họp thứ 9 vào cuối tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Theo Vneconomy