Cổ phiếu ngân hàng “bừng tỉnh”: Thời đến?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều ngân hàng đã gần chạm mức trần tín dụng và NHNN đang xem xét cấp hạn mức mới. Đây được cho là động lực tích cực cho ngành ngân hàng trong ngắn hạn.

Theo thống kê của VietTimes, trong tuần giao dịch vừa qua (18-22/7/2022), có tới 18/27 mã ngân hàng tăng giá, 1 mã đứng giá và 8 mã giảm giá.

Trong đó, PGB là cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng mạnh nhất tuần, với mức tăng 22,7%. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng ‘bùng nổ’ với tổng khối lượng giao dịch đạt 664.300 đơn vị - mức cao nhất trong 15 tuần trở lại.

Diễn biến đáng chú ý của cổ phiếu PGB xảy ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) – cổ đông lớn sở hữu 40% cổ phần PG Bank – được thoái vốn khỏi nhà băng này.

Sau PGB, cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam là mã tăng mạnh thứ hai với mức tăng 8,04%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (22/7), VIB đóng cửa ở mức 26.200 đồng/cổ phiếu.

Một số mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng đáng kể tiếp theo là ABB (+4,72%), MSB (+4,57%), TPB (+3,51%), LPB (+2,77%), BVB (+2,21%), VAB (+2,04%). Trong khi đó, SSB, ACB BAB, VBB, OCB… ghi nhận mức tăng trên dưới 1%.

Không chỉ tăng giá mạnh, thanh khoản cổ phiếu TPB cũng cải thiện rõ rệt với tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 10,2 triệu đơn vị, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

Ở chiều ngược lại, SGB giảm mạnh nhất tuần với mức giảm 4,51%, tiếp đến là SHB (-2,05%), NVB (-1,32%). Các mã ngân hàng có mức giảm dưới 1% là BID, KLB, EIB, CTG và VPB.

Diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được hỗ trợ bởi các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm này với mức tăng trưởng ấn tượng như: VPB lãi 15.300 tỉ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ); LPB lãi 3.600 tỉ đồng (tăng 74,7%); TCB lãi 14.000 tỉ đồng (tăng 22,3%)…

Trong khi đó, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của các ngân hàng đạt khoảng 26% - 29% so với cùng kỳ năm trước.

“Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 10,3% so với đầu năm, hoặc tăng 18% so với cùng kỳ), NIM tăng lên và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải”, SSI cho hay.

Hiện các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6% - 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích của SSI đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Thậm chí, chỉ số P/B của một số ngân hàng đã thấp hơn độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.

SSI cho rằng khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh NHNN có thể cân nhắc nới “room” tín dụng và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là quý 3/2022. Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn./.