VPBank báo lãi 15.300 tỉ đồng nửa đầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kết thúc quý 2/2022, VPBank hoàn thành gần 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm, với thu nhập lãi và phí tăng trưởng ổn định, cùng việc thu hút khách hàng từ hoạt động số hoá.
VPBank báo lãi 15.300 tỉ đồng nửa đầu năm 2022
VPBank báo lãi 15.300 tỉ đồng nửa đầu năm 2022

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022.

Báo cáo cho thấy hoạt động kinh doanh của VPBank trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Cụ thể, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỉ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành, cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm của hai phân khúc chiến lược này đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp.

Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021.

Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỉ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.

Đáng chú ý, tổng chi tiêu thẻ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 22% so với cùng kỳ, hậu thuẫn bởi loạt sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch.

Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1.700 tỉ đồng.

Trong khi doanh thu tăng mạnh, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6% - một tỉ lệ nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay.

Nhờ tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã có tốc độ tăng ấn tượng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỉ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm.

Với kết quả này, tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của VPBank đạt 23,4% và tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản là 3,5%. Tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất của ngân hàng vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Tăng trưởng khách hàng từ số hóa

Một trong những điểm nổi bật trong bức tranh kinh doanh nửa đầu năm của VPBank là tăng trưởng về quy mô khách hàng, được hậu thuẫn không nhỏ bởi nỗ lực số hóa và tự động hóa, đi đôi với hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ không ngừng nghỉ trong những năm gần đây.

Tới thời điểm hiện tại, tập khách hàng hợp nhất của VPBank đã cán mốc 21 triệu khách hàng, tương đương 1/5 dân số Việt Nam.

Số lượng khách hàng có thu nhập cao (AF) và trung bình-cao (mass AF) tăng trưởng trên 50% so với thời điểm cuối năm 2021, cho thấy hiệu quả của hoạt động khai thác các phân khúc giàu tiềm năng mà VPBank đang theo đuổi.

Trong khi đó, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng VPBank NEO tăng mạnh 63% so với cùng kỳ, giao dịch qua nền tảng số cũng tăng kỷ lục tới gần 80%. Thông qua số hóa toàn bộ chu trình cho vay có tài sản đảm bảo đối với sản phẩm cho vay mua nhà, ô tô và vay tiêu dùng, từ khâu xử lý thông tin, định giá tới giải ngân, tỉ lệ giải ngân của phân khúc cho vay thế chấp trực tuyến của VPBank đã đạt tới con số 85%.

Với quy mô khách hàng mở rộng liên tục và chất lượng tăng trưởng 6 tháng đầu năm ổn định, VPBank tự tin sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022./.