Có nên tư nhân hóa sông Hồng?

Dù Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-vận hành), nhưng qua đây, vấn đề cần được phân tích để xem xét các dự án sau này là có nên trao quyền kiểm soát dòng sông cho tư nhân hay không?
Sông Hồng. Ảnh báo Lao động
Sông Hồng. Ảnh báo Lao động

Công văn do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài nguyên - môi trường ngày 9-5-2016 cho biết: Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này - một đại dự án về thủy điện kết hợp thủy lộ (nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với vùng châu thổ sông Hồng) do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (Xuân Thiện) đề xuất thực hiện, với số vốn đầu tư lên đến 24.510 tỉ đồng (1,1 tỉ đô la Mỹ) được thực hiện trong sáu năm (2016 – 2021).

Nếu như dự án được phê duyệt thì sau khi xây dựng, chủ sở hữu của các công trình này - tuyến giao thông thủy trên sông Hồng - sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư. Khi đó, sông Hồng - một tài nguyên quốc gia - của hàng chục triệu người dân vùng châu thổ sông Hồng sẽ bị kiểm soát bởi tư nhân. Và, khi tư nhân sở hữu các công trình này thì họ hoàn toàn có quyền bán cổ phần của công ty mình cho các cổ đông nước ngoài…“Dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là ở chỗ đó”, theo GS Phan Văn Trường, ĐHQG TPHCM

Do dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định pháp luật nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng một cách kỹ lưỡng, khoa học và có sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho lợi ích của người dân vùng lưu vực sông Hồng... để bảo đảm phát triển bền vững.

Theo GS. Phan Văn Trường, Đại học Quốc gia TPHCM, việc quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng một cách kỹ lưỡng là hết sức cần thiết; bởi vì nó liên quan đến sinh kế của hàng triệu người dân vùng hạ lưu. Hơn nữa, các công trình nhân tạo như dự án mà Xuân Thiện đề xuất can thiệp quá thô bạo vào dòng chảy sông Hồng - con sông huyết mạch vùng đồng bằng Bắc bộ - chứa đựng rất nhiều rủi ro to lớn về kinh tế, xã hội và an ninh.

“Đừng để giống như Trung Quốc. Dự án xây dựng đập Tam Hiệp để khai thác thủy điện và giao thông thủy trên sông Trường Giang là một sai lầm kinh khủng của Trung Quốc về mặt sinh thái, môi trường”, ông Trường nói. Và, theo ông, để kết nối hai miền xuôi - ngược dọc theo sông Hồng có thể ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng khác, chứ không nhất thiết là giao thông thủy. Bởi vì, khi xây hệ thống đập dâng nước trên sông Hồng thì chắc chắn hiện tượng sa mạc hóa và lũ lụt đối với vùng hạ lưu là không thể tránh khỏi.

Nhưng đặc biệt, ông Trường lưu ý về việc đầu tư các dự án trên sông Hồng theo thể thức BOO. Bởi vì, nếu như dự án được phê duyệt thì sau khi xây dựng, chủ sở hữu của các công trình này - tuyến giao thông thủy trên sông Hồng - sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư. Khi đó, sông Hồng - một tài nguyên quốc gia - của hàng chục triệu người dân vùng châu thổ sông Hồng sẽ bị kiểm soát bởi tư nhân. Và, khi tư nhân sở hữu các công trình này thì họ hoàn toàn có quyền bán cổ phần của công ty mình cho các cổ đông nước ngoài… “Dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là ở chỗ đó”, ông nói.

Thực tế, dù ủng hộ dự án của Xuân Thiện nhưng Bộ Tài chính lại có vẻ lấn cấn về hình thức đầu tư. Bởi vì, dự án đề xuất dầu tư theo hình thức BOO nhưng bao gồm nhiều hợp phần công trình trong đó có hợp phần công trình kết cấu cơ sở hạ tầng do Nhà nước quản lý. Vì vậy, phải làm rõ phương thức quản lý các hợp phần công trình, thời gian khai thác, mối quan hệ pháp lý giữa nhà đầu tư và các tài sản kết cấu hạ tầng của Nhà nước trong quá trình nhà đầu tư được sở hữu và khai thác.

Ngay trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án trình lên Thủ tướng, bộ này cũng băn khăn: “Phạm vi dự án có hợp phần nạo vét, chỉnh trị, cải tạo luồng, do vậy, đề nghị làm rõ phạm vi sở hữu của nhà đầu tư đối với luồng lạch, diện tích mặt nước cũng như quyền tự do đi lại, nuôi trồng thủy, hải sản... của nhân dân khu vực dự án trong quá trình nhà đầu tư sở hữu và vận hành dự án”.

Theo TBKTSG