Có nên tăng hình phạt chung thân, tử hình với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm?

VietTimes -- Từ sự việc thực phẩm bẩn trong bếp ăn trường Mầm non Thanh Khương và tình hình sức khỏe học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng cần tăng hình phạt chung thân, tử hình đối với tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông cho rằng cần tăng hình phạt chung thân, tử hình với tội vi phạm an toàn thực phẩm.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông cho rằng cần tăng hình phạt chung thân, tử hình với tội vi phạm an toàn thực phẩm.

Trong những năm qua, vấn đề mất an toàn thực phẩm ở các bếp ăn trong trường học, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên nhiều địa phương cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong đó không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều tỉnh thành khác tình hình vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng, đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Mới đây nhất là vụ hơn 60 trẻ Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn do ăn thực phẩm có dấu hiệu của bệnh sán gạo tại bếp ăn trường Mầm non Thanh Khương, thuộc huyện Thuận Thành.

Hiện, chính quyền địa phương vẫn đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh nguyên nhân dẫn đến sự việc và chờ kết quả kiểm nghiệm số thịt được cho là không đảm bảo an toàn thực phẩm xuất hiện trong bếp ăn. Kể từ khi sự việc được phụ huynh phát hiện cuối tháng 2 đến nay, từ khóa "an toàn thực phẩm" thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc quản lý, kiểm định chất lượng thực phẩm trước khi đến người tiêu dùng.

Giữa tâm điểm sự việc về an toàn thực phẩm trường học tại Bắc Ninh kể trên, hôm nay (16/3), Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những trao đổi trực tiếp với PV VietTimes về việc có nên tăng hình phạt với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. 

Thưa Luật sư Nguyễn Hữu Toại, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như thế nào?

- Hiện nay, các biện pháp thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm bao gồm: biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự. Trong đó, biện pháp hình sự (nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đến mức cấu thành tội phạm. Trên thực tế, biện pháp hình sự hiếm khi được áp dụng, nhưng đây vẫn là công cụ thực thi mạnh do hình phạt nghiêm khắc.

Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay có quy định, khung hình phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm là 20 năm tù. Tuy nhiên, xét về hành vi này có nguy cơ gây nguy hiểm cho rất nhiều người, một hình thức hủy hoại giống nòi, làm nạn nhân mang thương tật cả đời thì khung hình phạt này còn quá nhẹ nhàng. 

Vì vậy, theo tôi, cần tăng hình phạt chung thân, tử hình đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Trước sự việc trẻ bị nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh, nhiều người đặt câu hỏi "để cho hàng loạt cháu bé bị nhiễm sán như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?". Cũng có ý kiến cho rằng, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan, cá nhân chưa áp dụng và thực thi đúng các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm. Xin Luật sư cho biết quan điểm của ông về vấn đề này!

- Thực phẩm bẩn đang là vấn nạn của Quốc gia, năm 2016 WHO xếp Việt Nam trong top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Có Đại biểu Quốc hội đã nói "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế''. Thực phẩm bẩn vẫn là vấn nạn nếu chính quyền không thay đổi cung cách quản lý, chính sách pháp luật. 

Hiện tại các cơ quan nhà nước đang điều tra và chưa có kết luận cụ thể trách nhiệm trong sự việc vi phạm an toàn thực phẩm tại Bắc Ninh vừa qua thuộc về ai. Nhưng chắc chắn rằng, căn cứ vào mức độ vi phạm trong sự việc trên, người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Vì sự phát triển bình thường của con trẻ, chính quyền các cấp cần có các hành động quyết liệt để xử lý nghiêm các đối tượng đang tuồn thực phẩm bẩn vào các trường học, bệnh viện, chợ, nhà hàng, siêu thị, len lỏi vào từng mâm cơm của người Việt. 

Bao năm qua, số vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng, vấn đề an toàn thực phẩm luôn ở mức "báo động đỏ" mà ít thấy cải thiện. Ngộ độc thực phẩm sẽ ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ. Phía cơ quan chức năng có quyền phạt theo quy định nhưng liệu sau khi tăng mức phạt người dân có được dùng thực phẩm sạch hay cần một biện pháp mạnh hơn?

-Pháp luật an toàn thực phẩm trên thế giới được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về thực phẩm, dinh dưỡng, rủi ro... để đặt ra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao và nghiêm ngặt. Xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu thiết yếu của cuộc sống tại Việt Nam đòi hỏi phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục có những quy chuẩn khác chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm. 

Xin cảm ơn Luật sư!

Trước đó, clip về món thịt lợn nổi hạch trắng, dấu hiệu giống như bị bệnh sán hạt gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) lan truyền trên mạng dấy lên nghi ngại và nhiều phụ huynh không cho con đến trường.

Trưa 5/3, trường Mầm non Thanh Khương ở Bắc Ninh bị phát hiện sử dụng thịt gà hôi thối nấu ăn cho trẻ. Sự việc diễn ra khi nghi án đồ ăn của trường có sán còn chưa được giải quyết. Cơ quan công an đã lập biên bản sự việc, niêm phong toàn bộ số thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm.

Từ 6/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc xác minh.

Bà Cao Thị Hòe, hiệu trưởng nhà trường, nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định phía doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước giáo viên, phụ huynh và học sinh.