Nên mua một chiếc điện thoại cũ đã qua sử dụng hay một chiếc điện thoại mới là câu hỏi của hầu hết những người đã và đang có nhu cầu mua cho mình một chiếc điện thoại. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn những lợi ích và rủi ro khi mua một chiếc điện thoại cũ.
1. Lợi ích
Lợi ích lớn nhất khi mua chiếc điện thoại cũ ai cũng có thể nhìn thấy đó chính là vấn đề về giá. Những chiếc điện thoại cũ sẽ có mức giá rẻ hơn từ 25 - 30% so với những chiếc điện thoại mới.
Những chiếc điện thoại cũ thường có mức giá rẻ hơn 25 - 30% so với điện thoại mới (Ảnh: Android Authority)
|
Một lợi ích hấp dẫn không kém khi mua những chiếc điện thoại cũ đó chính là việc bạn sẽ mua được một chiếc máy có cấu hình cao hơn với cùng tầm giá.
Ví dụ, với số tiền 7-8 triệu đồng bạn sẽ chỉ có thể mua được những chiếc máy mới tầm trung. Cũng với số tiền đó nhưng đối với máy cũ thì bạn hoàn toàn có thể tậu cho mình một chiếc máy cận cao cấp hay thậm chí là cao cấp. Và tất nhiên những chiếc máy này sẽ có hiệu năng tốt hơn cũng như độ hoàn thiện tốt hơn những chiếc máy tầm trung khác.
2. Rủi ro
Đi cùng với những lợi ích hấp dẫn kể trên thì việc mua máy cũ cũng sẽ đem đến cho bạn những rủi ro nhất định.
Mua điện thoại cũ đồng nghĩa với việc sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định (Ảnh: Electrodealpro)
|
Đầu tiên, chắc chắn những chiếc điện thoại đã qua sử dụng sẽ không có "vẻ ngoài" đẹp như những chiếc điện thoại mới, đa số máy đã qua sử dụng sẽ có một chút xước xát nhẹ. Điều này là không thể tránh khỏi bởi trong quá trình sử dụng việc va chạm hay thậm chí là rơi máy rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, khi thấy một chiếc điện thoại cũ bị trầy xước các bạn cũng đừng vội đánh giá đây là một chiếc điện thoại không tốt bởi phần quan trọng của một chiếc điện thoại là máy móc bên trong chứ không phải vẻ ngoài.
Điện thoại đã qua sử dụng không thể tránh khỏi trầy xước (Ảnh: Tech Advisor)
|
Thứ hai, bạn sẽ không thể tránh khỏi sự hao mòn khi mua những chiếc điện thoại cũ. Những sự hao mòn lớn ta có thể nhận thấy rõ là pin, qua một khoảng thời gian sử dụng chiếc máy chắc chắn sẽ bị chai pin. Tuổi thọ màn hình cũng sẽ bị suy giảm sau một khoảng thời gian sử dụng.
Những chiếc điện thoại cũ đã qua sử dụng thường sẽ bị chai pin (Ảnh: Support.com)
|
Điểm trừ thứ ba khi mua những chiếc điện thoại cũ đó chính là vấn đề cập nhật phần mềm mới. Những chiếc điện thoại cũ đời quá sâu sẽ không được nhà phát hành cập nhật phần mềm mới điều này có thể đẫn đến một số lỗi khi sử dụng.
Những chiếc điện thoại cũ đời quá sâu sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu có hỏng hóc vì linh kiện thay thế khan hiếm. Vấn đề này còn phụ thuộc vào thương hiệu điện thoại, nếu là những chiếc điện thoại được sử dụng phổ biến như iPhone, Samsung, thì sẽ không khó để tìm linh kiện thay thế.
"Hàng dựng" là nỗi ám ảnh của những người có ý định mua điện thoại cũ (Ảnh: 123RF)
|
Thêm một rủi ro thường gặp khi mua những chiếc điện thoại cũ đó là việc mua phải "hàng dựng". Điều này thường xuyên xảy ra khi bạn mua bán trực tiếp với một người lạ trên mạng. Hơn nữa cách thức mua bán này thường sẽ không đi kèm bảo hành, nên nếu máy có xảy ra lỗi thì bạn cũng sẽ không biết phải "bắt đền" ai.
3. Lời khuyên
Nếu như đã quyết định mua điện thoại cũ, bạn nên lựa chọn những chiếc điện thoại có năm sản xuất trong vòng 2 - 3 năm đổ lại bởi đây là những chiếc điện thoại vẫn sẽ được nhà phát hành cập nhật phần mềm lâu dài.
Ngoài ra, bạn nên chọn những cơ sở mua bán điện thoại uy tín. Khi đi mua hãy đi cùng một người am hiểu về điện thoại để có thể thực hiện kiểm tra nhanh chiếc máy mình định mua. Việc này cũng không quá quan trọng bởi đối với những cơ sở mua bán lớn, họ đều sẽ có chế độ bảo hành 1 đổi 1 đi kèm.
Tham khảo Android Authority, Tomsguide, Techjunkie