TS. Đinh Văn Minh:

Có nên mất nhiều thời gian để duy danh định nghĩa và tìm ra tiêu chí “nhân tài” khi nói về công chức?

VietTimes – Đối với những người được giao thực hiện hoạt động công vụ thì yêu cầu quan trọng nhất đối với họ là sự chuyên cần, mẫn cán, tỉ mỉ, chấp hành và liêm chính. Thực tế, trong công việc của một công chức không có nhiều dư địa sáng tạo để có thể gọi là “nhân tài”.
TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ.
TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

Đó là quan điểm của TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ - khi trao đổi với VietTimes về câu chuyện “nhân tài” đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây.

Làm công chức, cần nhất sự chuyên cần, mẫn cán, tỉ mỉ, chấp hành và liêm chính

- Thưa ông, định nghĩa về nhân tài và chính sách thu hút nhân tài trở thành vấn đề nóng, không chỉ được các ĐBQH tranh luận kịch liệt, mà còn là đề tài sôi nổi của người dân trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội những ngày gần đây. Theo ông, điều này có bất thường?

Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức quy định người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

+  Việc đưa vào dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức các quy định, các tiêu chí, các cơ chế để làm sao thu hút người giỏi vào bộ máy thể hiện một thái độ tích cực, chủ động của nhà nước.
Tôi cho rằng, việc Quốc hội quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, có đức, có tài là điều hết sức cần thiết.
Điều đó cho thấy Nhà nước đang quyết tâm thực hiện hóa mong muốn tạo lập được một bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động để phục vụ nhân dân, như Thủ tướng nói đã nhiều lần nói tới. 
Cán bộ công chức là rường cột của bộ máy, cho nên việc tìm người có đủ năng lực, trình độ để gánh vác công việc chung, tìm người có trách nhiệm trước nhân dân là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, nó cũng phản ánh theo chiều ngược lại, là thể hiện mối lo lắng của Nhà nước, của xã hội, của nhân dân, về thực trạng về năng lực, trình độ và cả phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt trong thời đại 4.0.

Thậm chí những biểu hiện cửa quyền, sách nhiễu, hách dịch, vòi vĩnh xuất hiện trong thái độ, hành động của đội ngũ này ở một số nơi đang gây ra nỗi bức xúc và làm giảm đi niềm tin của người dân vào các nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức.

Như vậy, với hiện trạng hiện nay, việc Quốc hội đưa nội dung này ra bàn thảo, sửa đổi các cơ chế, quy định đối với cán bộ công chức là rất cần thiết và đáng trân trọng.

- Khi trao đổi về dự thảo luật tại hội trường Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) có ý kiến cho rằng không nên hiểu theo nghĩa nhân tài ở đây là xuất chúng, thiên tài, vì hiểu như vậy là vượt ra khỏi phạm vi của Luật Cán bộ, công chức. Điều này đã làm bùng nổ nhiều ý kiến tranh luận, phản biện cả trên nghị trường lẫn trong dư luận xã hội. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

+ Nói về câu chuyện nhân tài hiện nay, khi Quốc hội đưa ra bàn thảo, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc hiểu thế nào là nhân tài, có chính sách quy định chưa, có nên quy định trong luật hay không, v.v..

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được, vì thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được, vì thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định.

Theo tôi, không nên đồng nhất và tìm kiếm nhân tài trong số những cán bộ, công chức giỏi. Nhân tài là một chuyện, người giỏi là chuyện khác. Nhân tài phải là người khác biệt, kiệt xuất. Trong khi đó, tiêu chí đối với một cán bộ công chức thì khác. Công chức thực hiện hoạt động công vụ, mà đòi hỏi quan trọng nhất là sự chuyên cần, mẫn cán, tỉ mỉ, chấp hành.

Thực ra, trong công việc của một công chức không có nhiều hoạt động để sáng tạo. Cho nên, nói như ĐB Dương Trung Quốc, bàn chuyện nhân tài đối với đội ngũ cán bộ, công chức  trong một văn bản pháp luật có vẻ như không thích hợp lắm.

Nếu quan sát tỉ mỉ công việc của một công chức sẽ thấy, công việc của công chức thậm chí đòi hỏi cán bộ phải hơi “cứng nhắc” một chút, họ phải nắm chắc các quy định để thực hiện cho đúng.

Tất nhiên, công chức cũng cần phải giỏi thì mới có thể phục vụ tốt. Tuy nhiên, họ làm việc trong bối cảnh mọi công việc đều đã có quy định rồi, vấn đề là phải chuyên cần, đặc biệt phải trung thành, thái độ chấp hành với cấp trên để có nền công vụ nề nếp.

Cùng với đó, là yêu cầu về sự liêm chính, thanh liêm. Công chức chính là hình ảnh đại diện của công quyền, phản ánh tinh thần thái độ phục vụ của cơ quan chính quyền với người dân.

- Với những phân tích trên, có thể thấy quan điểm của ông là không nên cố gắng để tìm ra những nhân tài kiệt xuất trong đội ngũ cán bộ công chức do tính chất và yêu cầu của nền công vụ?

+ Đúng vậy. Điều cần thiết hiện nay là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ công chức chuyên nghiệp, mới có thể có nền hành chính hiện đại. Năng lực chuyên môn được hiểu là làm tốt, thành thạo có hiệu quả công việc được giao theo vị trí việc làm.

Việc người nào người đó làm và làm tốt, đúng yêu cầu, đúng quy định. Cô kế toán thì giỏi việc kế toán, anh cán bộ thuế thì tính toán nhanh đúng, chính xác để thu đủ, thu đúng cho ngân sách...

Trong quá trình thực hiện chức trách của mình, công chức có thể có những sáng kiến, những cải tiến cho công việc tốt hơn, nhưng đừng nên mong mỏi họ điều gì có tính chất đột phá, sáng tạo - cái mà thường thấy ở những người gọi là “nhân tài”.

Ngoài ra, công chức còn phải bảo đảm xử sự đúng mực trên dưới, trong ngoài, trước cấp trên và quần chúng, không chỉ trong hoạt động công vụ mà trong cả các mối quan hệ xã hội, để giữ gìn hình ảnh liêm chính của nền công vụ vì nhân dân

Còn việc phát triển nhân tài nên bàn đến việc tạo ra cơ chế, tạo ra sự khích lệ đối với những người hoạt động nghề nghiệp, mà chúng ta gọi là viên chức (giáo viên, thày thuốc, nhà khoa học), những người lao động nghệ thuật đòi hỏi tính sáng tạo và kể cả những cầu thủ vận động viên (Quang Hải không xứng đáng được gọi là nhân tài hay sao?). Những người mà tài năng của họ được thừa nhận và mến mộ bởi xã hội, bởi đông đảo công chúng.

Khác với công chức là hoạt động công vụ, họ say sưa, thỏa sức sáng tạo với nghề nghiệp, thậm chí nỗ lực hy sinh vì sự đam mê, họ ít bị ràng buộc bởi các quy định, thể chế.

Cũng xin nói thêm rằng những tài năng như thế không nhất thiết phải “tưởng thưởng” bằng chức vụ này, vị trí kia. Người thực sự tài năng thường không màng danh vọng, chức tước. Thậm chí, trao cho họ một vị trí lãnh đạo quản lý có thể làm thui chột tài năng khi mà trí tuệ của họ bị phân tán vởi những vấn đề trách nhiệm quản lý, như người ta thường nói, sẽ mất đi một nhà khoa học giỏi và có thêm một người quản lý tồi!

Với chủ trương Chính phủ kiến tạo và sự phát triển thực tế của Việt Nam hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh rất cần tạo điều kiện cho những nhân tài trong xã hội phát triển, đặc biệt coi trọng khu vực tư nhân, còn Nhà nước chỉ tập trung đề ra chính sách tốt, thể chế tốt, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững và tạo điều kiện, nuôi dưỡng các tài năng của đất nước có thể phát huy sự sáng tạo và đóng góp của mình trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, v.v..

Đội ngũ cán bộ công chức chính là người thực hiện vai trò đó của nhà nước với một sự cần mẫn, thành thạo, hiệu quả và một thái độ, trách nhiệm phục vụ cao nhất,

Nhất thiết cần định nghĩa và bộ tiêu chí về nhân tài?

- Vậy theo ông, có nên có một bộ tiêu chí cụ thể để nhận diện, đánh giá nhân tài, tiến tới bồi dưỡng, phát triển họ?

+ Tôi cho rằng rất khó để đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định nhân tài mà không đi vào cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực; chưa kể điều này có thật sự cần thiết trong giai đoạn này hay không. Điều cần kíp hiện nay là chính sách thu hút và giữ chân người giỏi, tránh tình trạng hiện nay rất nhiều người giỏi không muốn cống hiến cho khu vực công, vì những bất cập, hạn chế, vướng mắc về cơ chế hiện nay.

Thêm vào đó việc tăng cường giáo dục sự liêm chính, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và tạo ra cơ chế kiểm soát việc thực thi công vụ để đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đáp ứng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao

 

-Trong thực tế bằng cấp cao không đồng nghĩa với tài năng, với năng lực trình độ. Nhiều địa phương vừa qua đã tích cực ban hành chính sách thu hút nhân tài, nhưng vì quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp, học vị, học hàm, nên nhiều khi không thu hút được nhân tài đích thực. Ông bình luận gì về việc này?

+ Theo tôi, khu vực công muốn tìm người giỏi, tìm người tâm huyết thì chỉ có thể bằng các cơ chế cởi mở hơn mà không nhất thiết phải đưa ra một định nghĩa.

Thậm chí, đưa ra định nghĩa nhưng không đưa ra được các tiêu chí hợp lý, thì sẽ lại vướng vào vòng luẩn quẩn tìm nhân tài thông qua các bằng cấp và các tiêu chí khác (mà người ta hoàn toàn có thể chạy chọt).

Thực tế cho thấy cách làm này đã được thử nghiệm nhưng không thực sự hiệu quả, thậm chí dễ lợi dụng để những người không xứng đáng, những “con ông cháu cha” hưởng lợi.

Bằng cấp, khen thưởng, kinh nghiệm, thâm niên công tác, v.v. đều là những điều rất đáng trân trọng, nhưng không phải là những cơ sở chính xác để nhận diện nhân tài.

Tôi cho rằng phát hiện nhân tài từ đội ngũ viên chức, những người làm khoa học, bác sĩ, giáo viên hơn là từ đội ngũ công chức. Đối với cán bộ công chức, điều quan trọng nhất phải là người trung thành, biết chấp hành và đảm bảo sự liêm chính.

- Song hành với những trao đổi trên nghị trường, các cuộc tranh luận trên mạng xã hội cũng rất nóng. Nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội sa đà vào mổ xẻ khái niệm người tài và ví von với chuyện mây gió. Ông có đồng tình với ý kiến phản biện này không?

- Quốc hội bàn về việc nhận diện nhân tài nhân thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức mà được sự quan tâm của công chúng là điều đáng mừng, nhưng cách thức, mục tiêu như thế nào lại là câu chuyện cần tính toán và Quốc hội cũng nên dành thời gian thảo luận và quyết định những vấn đề cấp bách hơn.

Đối với việc sửa đổi Luật Cán bộ công chức, có lẽ nên tập trung thảo luận để đưa ra những cơ chế cụ thể, những quy định, những chế định cụ thể để tạo được một lực lượng cán bộ công chức thực sự chuyên cần, tâm huyết, trung thành, liêm chính.

Chẳng hạn như cơ chế tuyển chọn thế nào, cơ chế đào tạo thế nào, quyền - nghĩa vụ của công chức ra sao, rồi cơ chế kiểm soát họ thực hiện nhiệm vụ công như thế nào; thái độ trách nhiệm trước nhân dân, cả việc chấp hành kỉ cương kỉ luật trong hệ thống công vụ, đảm bảo sự nề nếp, nhất quán, tính liên tục của nền hành chính, v.v..

Những quy định đó phải phù hợp với những gì đang diễn ra, với khả năng và mong muốn của chúng ta khi tạo lập một nền công vụ tốt, hướng tới Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ.

Việc duy danh, định nghĩa khái niệm hàn lâm nên để cho các nhà khoa học. Họ có nhiều cơ hội tiếp cận, có nhiều thông tin, hiểu biết sâu hơn về những câu chuyện như thế, họ có sự so sánh với cách làm của các nước...

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tham vấn ý kiến của các nhà khoa học khi hoạch định chính sách hoặc xây dựng các đạo luật về vấn đề này.

Như vậy chúng ta sẽ có những đạo luật tốt, vừa có cơ sở khoa học và phù hợp với cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn.

- Xin cảm ơn ông!