Trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast đề cập tới hoạt động thiết kế và phát triển phần mềm lái xe tự động (Autonomous Driving) và hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (Advanced Driver Assistance Systems, viết tắt: ADAS).
Theo đó, các mẫu ô tô mà VinFast chuẩn bị ra mắt sẽ được trang bị công nghệ ADAS cấp độ 2 (ADAS Level 2), gồm các tính năng An toàn chủ động (Active Safety) và Hỗ trợ trên đường cao tốc (Highway Assist+), kể như: phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ thay đổi làn đường, đỗ xe từ xa.
VinFast cũng đặt mục tiêu triển khai ADAS cấp độ 3 (ADAS Level 3) vào đầu năm 2024, sau đó tiến tới ADAS cấp độ 4 (ADAS Level 4), với sự 'đồng hành' của VinAI và VinBigData.
VinFast cũng kỳ vọng sẽ triển khai tính năng Traffic Jam Pilot trên các dòng xe của hãng từ năm 2024.
Traffic Jam Pilot là tên gọi hệ thống lái xe tự động được ứng dụng trên một số loại xe để đạt mức độ tự động cấp độ 3. Một số hãng xe đã xây dựng hệ thống tự động này và có tính năng, tên gọi riêng, kể như: Tesla, Honda, Nissan, Audi. Đằng sau đó là một 'bước tiến dài' về mặt công nghệ.
Xe tự lái, hay xe tự hành (autonomous vehicle) là thuật ngữ ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp ô tô.
Ô tô tự lái được điều khiển bằng trí tuệ AI với khả năng cảm biến môi trường xung quanh nhờ các thiết bị như radar, lidar, sonar, định vị GPS,.. Hệ thống điều khiển sẽ thu thập, phân tích thông tin để xác định đường đi phù hợp, cũng như chướng ngại vật và biển báo liên quan để điều khiển xe tự động chạy trên đường một cách an toàn.
6 cấp độ lái tự động
Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE) Mỹ đã đưa ra một thang đo gồm 6 cấp độ lái tự động, từ 0 (hoàn toàn do người lái) cho đến 5 (hoàn toàn tự động).
Cấp độ 0 (Không có chế độ tự động)
Phần lớn các phương tiện giao thông đang hoạt động trên các tuyến đường ngày nay đều thuộc cấp độ 0.
Cụ thể, con người đưa ra những chỉ thị lái và hệ thống trên xe sẽ hỗ trợ tài xế thực hiện chỉ thị đó, kể như hệ thống phanh khẩn cấp.
Cấp độ 1 (Hỗ trợ tài xế)
Đây là cấp độ tự động thấp nhất. Phương tiện ở cấp độ này chỉ có một hệ thống tự động duy nhất để hỗ trợ tài xế, ví dụ như bẻ lái hay tăng tốc (điều khiển hành trình). Điều khiển hành trình chủ động (ACC), khi mà phương tiện có thể giữ một khoảng cách an toàn phía sau một phương tiện khác, được coi là thuộc cấp độ 1 bởi tài xế điều khiển những khâu còn lại của lái xe, như đạp phanh và bẻ lái.
Cấp độ 2 (Tự động lái cục bộ)
Phương tiện ở cấp độ này được trang bị các hệ thống hỗ trợ lái nâng cao, hay ADAS. Phương tiện có thể kiểm soát cả việc bẻ lái, giảm tốc và tăng tốc trong những trường hợp cụ thể.
Ở cấp độ này, phương tiện vẫn chưa được gọi là tự lái bởi tài xế ngồi ở vị trí điều khiển và có thể giành lại quyền kiểm soát vào bất cứ lúc nào.
Hệ thống Tesla Autopilot của Tesla và hệ thống Super Cruise của Cadillac (General Motors) được xếp ở cấp độ này.
Bên cạnh đó, cũng có thể kể tới hệ thống Highway Driving Assist được lắp đặt trong các mẫu xe của Genesis, Hyundai và Kia. Nó đòi hỏi tài xế vẫn phải đặt tay lên vị trí vô lăng và điều hướng, tăng tốc hoặc phanh khi phương tiện di chuyển trên các tuyến cao tốc.
BlueCruise là một công nghệ lái tự động cục bộ mà Ford phát triển, không đòi hỏi tài xế đặt tay trên vô lăng, nhưng chỉ được phép làm như vậy trên một số tuyến cao tốc cụ thể ở Mỹ và Canada.
Cấp độ 3 (Tự động lái có điều kiện)
Từ cấp độ 2 đến cấp độ 3 được xem là một 'bước nhảy' đáng kể xét về góc độ công nghệ.
Cấp độ 3 còn được gọi là tự động lái có điều kiện. Nó sử dụng nhiều hệ thống hỗ trợ lái và trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra những quyết định, dựa trên những tình huống đang thay đổi xung quanh phương tiện.
Người bên trong xe không cần phải giám sát công nghệ này, có nghĩa rằng họ có thể làm những việc khác.
Tuy nhiên, tài xế vẫn cần phải hiện diện, thận trọng và đủ khả năng kiểm soát phương tiện vào bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp khi hệ thống trục trặc.
Như đề cập ở phần đầu bài viết, một số xe tự động cấp độ 3 được trang bị tính năng Traffic Jam Pilot. Một số hãng đã cho ra mắt các mẫu xe ở cấp độ này có thể kể tới như: Tesla, Honda, Nissan và Audi.
Cấp độ 4 (Tự động mức độ cao)
Điểm khác biệt quan trọng giữa cấp độ 3 và 4 là ở chỗ, các phương tiện cấp độ 4 có thể can thiệp trong trường hợp mọi thứ không như ý muốn hoặc có lỗi hệ thống. Nhìn chung, những chiếc xe hơi ở cấp độ 4 không cần có sự can thiệp của con người ở hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, con người vẫn có lựa chọn lái chủ động.
Các phương tiện cấp độ 4 có thể chạy chế độ tự lái. Nhưng cho đến khi luật pháp và cơ sở hạ tầng phát triển hơn, chúng hiện tại chỉ có thể làm như vậy trong một khu vực hạn chế (thường là môi trường đô thị, nơi mà tốc độ tối đa đạt mức trung bình 30 dặm/giờ, tương đương 48 km/giờ). Hầu hết các phương tiện cấp độ 4 hiện tại chủ yếu hoạt động cho các dịch vụ “ride-sharing”. Ví dụ:
NAVYA, một công ty Pháp, đã chế tạo và bán các mẫu taxi cấp độ 4 ở Mỹ. Những chiếc xe này vận hành hoàn toàn bằng điện năng và có thể đạt vận tốc tối đa là 55 dặm/giờ (88 km/giờ).
Waymo của Alphabet cũng đã cho ra mắt dịch vụ taxi có mức độ tự động 4 ở bang Arizona, nơi mà chúng đã được thử nghiệm xe không tài xế (tức không có tài xế trên ghế lái) – trong hơn một năm liền.
Hãng Magna của Canada cũng đã phát triển công nghệ (MAX4) cho phép kích hoạt những khả năng tự động cấp độ 4 ở cả môi trường đô thị lẫn cao tốc. Họ đang làm việc với Lyft để cung cấp các bộ công nghệ cao biến phương tiện thành xe tự lái.
Volvo và Baidu cũng đã tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược để phát triển các mẫu xe cấp độ 4, phục vụ như những robotaxi ở Trung Quốc.
Cấp độ 5 (Tự động lái hoàn toàn)
Những chiếc xe hơi cấp độ 5 không cần có sự chú ý của con người, chúng thậm chí không cần có chân ga, chân phanh và bánh lái. Chúng có thể hoạt động ở mọi nơi mà không bị hạn chế, làm được mọi thứ mà tài xế con người có thể làm.
Những chiếc xe hoàn toàn tự động được tin rằng đang trải qua quá trình thử nghiệm bí mật ở một vài nơi trên thế giới.
Bản cáo bạch của VinFast cho thấy, hãng xe điện của Việt Nam đã rót hàng tỉ USD vào hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển).
Trong 9 tháng đầu năm 2022, VinFast đã dành tới 14.041,6 tỉ đồng (587,5 triệu USD) cho R&D – cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2021, chi phí R&D của VinFast là 9.255,4 tỉ đồng (387,3 triệu USD), tăng gấp 2,3 lần so với mức 3.929,8 tỉ đồng cho năm 2020.
Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin của VinFast là bà Lê Mai Tuyết Trinh.
Bà Trinh có bằng cử nhân ngôn ngữ Anh tại Đại học quốc gia Tp. HCM, từng làm quản lý cấp cao tại hãng kiểm toán Deloitte.
Tháng 11/2015, bà Trinh được bổ nhiệm làm Giám đốc thông tin tại Vingroup. Đến tháng 5/2021, bà được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc CTCP VIN3S.
Bà Lê Mai Tuyết Trinh phụ trách chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin của VinFast từ tháng 10/2022./.
Nguồn tham khảo: Synopsys, JDPower