CNBC trích nguồn tin cho biết Uber đang chuẩn bị bán mảng kinh doanh Đông Nam Á của công ty cho Grab để đổi lấy một cổ phần đáng kể trong công ty gọi xe khởi nghiệp từ Malaysia.
Nguồn tin của CNBC cho biết chưa có thỏa thuận nào được đưa ra, và thời điểm của thỏa thuận này chưa chắc chắn.
Dara Khosrowshahi, CEO Uber, tại sự kiện WEF 2018 ở Davos, Thụy Sỹ - Ảnh: Adam Galica/CNBC
Grab cho biết hãng đang dẫn đầu thị phần Đông Nam Á trong lĩnh vực gọi xe. Công ty cung cấp dịch vụ gọi xe hơi, xe taxi, xe máy, giao hàng, đi chung trên nhiều quốc gia, và hiện có mặt tại hơn 100 thành phố trong khu vực. Năm 2017, Grab gọi được 2,5 tỷ USD từ Softbank và các nhà đầu tư khác.
Uber từng có các vụ sáp nhập tương tự. Hãng bán toàn bộ việc kinh doanh của mình cho Didi Chungxin tại Trung Quốc, đồng thời sáp nhập với Yandex ở Nga để đổi lấy 37% cổ phần. Việc bán công ty tại Đông Nam Á có thể giúp Uber siết lại chi phí nhằm chuẩn bị cho một đợt IPO dự kiến diễn ra năm sau, nguồn tin của CNBC tiết lộ.
Kể từ khi lên thay đồng sáng lập Travis Kalanick vào tháng 8/2017, Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi đã tập trung vào việc lấy lại danh tiếng cho công ty, đồng thơi siết chặt tài chính nhằm hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Báo cáo kinh doanh mới tuần này cho thấy khoản lỗ của Uber trong quý 4 ít hơn so với cùng kỳ, đồng thời thua lỗ 61% cả năm - tương đương 4,5 tỷ USD.
Trước đó, trang KR Asia dẫn nguồn tin cho biết việc Uber bán mảng kinh doanh Đông Nam Á của họ cho Grab có phần tác động của SoftBank. Tập đoàn công nghệ Nhật Bản có 15% cổ phần tại Uber, đồng thời có cổ phần tại Grab, do đó hãng muốn sáp nhập hai công ty này nhằm để Uber tập trung kinh doanh tại các thị trường có thể sinh lợi nhuận như Bắc Mỹ, châu Âu. SoftBank đồng thời có cổ phần tại Didi (Trung Quốc), Ola (Ấn Độ), 99 (Brazil), và mới đây công khai quan tâm tới Lyft - đối thủ chính của Uber tại Mỹ.
Trong một hội nghị do Goldman Sachs tổ chức tại Mỹ tuần này, Khosrowshahi nói rằng cạnh tranh với các đối thủ địa phương là rất khó. Ông nói Uber đã xem qua khả năng cạnh tranh của hãng tại nhiều thị trường. Uber có thương hiệu tốt hơn, công nghệ tốt hơn, mạng lưới tốt hơn,... - những yếu tố để giành thị phần, tuy nhiên tại một số thị trường nhất định như Trung Quốc, Nga thì những yếu tố đó chưa đủ.
Hiện cả Uber và Grab đều không bình luận gì về thông tin mua bán, sáp nhập này.
Theo ICT News
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu