Ngày 26-10, TAND TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm vụ tham nhũng, gây thất thoát hơn 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (Agribank CN 6).
“Tay không” lấy tiền của Agribank
HĐXX tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo 628 tỉ đồng của Dương Thanh Cường (giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) và những vi phạm của các cán bộ Agribank CN6 có liên quan gồm: Hồ Đăng Trung, Hồ Văn Long và Phạm Hoàng Thọ.
Trong vụ việc này, Cường đã dùng chính tài sản mình định mua, thế chấp ngân hàng lấy tiền trả cho người nắm quyền sử dụng đất.
Theo đó, hồ sơ vụ án nêu rõ Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh Phát do Dương Thanh Cường lập ra năm 2007. Cuối năm 2007, Cường có ý định thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao ốc, căn hộ và biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Cường gặp Hồ Đăng Trung đề nghị vay 700 tỉ đồng để thực hiện dự án.
Trung đồng ý và giao cho Hồ Văn Long, trưởng phòng tín dụng làm hồ sơ vay vốn với mục đích để thanh toán đền bù giải tỏa mặt bằng và các chi phí để đầu tư xây dựng khu biệt thự vườn Thanh Phát với thời hạn vay 60 tháng, thế chấp các thửa đất tại xã Phong Phú thuộc dự án.
Sau đó, từ tháng 12-2007 đến tháng 9-2008 Hồ Đăng Trung đã giải ngân cho công ty Thanh Phát của Dương Thanh Cường 628 tỉ bằng 16 giấy nhận nợ.
Sau khi nhận tiền, một phần Cường dùng để trả vào tài khoản cho bà Trần Hoa Mai, người có đất ở Bình Chánh bán cho Dương Thanh Cường với tổng số tiền là 171 tỉ, còn lại Cường dùng để thanh toán các khoản vay ngân hàng và sử dụng cá nhân.
Sau khi thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhận 628 tỉ đồng bằng nhiều hợp đồng thế chấp không công chứng tại Ngân hàng Agribank CN và biết dự án không được cơ quan chức năng cấp phép, Cường tiếp tục đến gặp ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) đề nghị vay tiền.
Ông Trầm Bê nói sẽ đồng ý nếu có tài sản thế chấp.
Mượn lại giấy tờ, mang sang ngân hàng khác vay tiếp
Bằng chiêu cũ, Dương Thanh Cường lại làm công văn sang Agribank CN 6 để hỏi mượn lại toàn bộ giấy chứng nhận của dự án đầu tư tại xã Phong Phú để "trình TP.HCM duyệt dự án đầu tư".
Đề xuất mượn 23 giấy chứng nhận này của Cường lại được Hồ Văn Long ký duyệt đồng ý. Sau khi lừa lấy được giấy tờ từ Agribank CN, Cường mang sang Ngân hàng Phương Nam để vay tiền.
Và từ ngày 12-4-2008 đến 5-6-2009, công ty Bình Phát (do Phạm Hoàng Thọ làm giám đốc), Thọ và Dương Thanh Cường đã ký hợp đồng tín dụng vay của Phương Nam tổng cộng 266 tỉ đồng và 18.000 lượng vàng.
Hết thời hạn mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Agribank chi nhánh 6 yêu cầu Dương Thanh Cường trả giấy những Cường làm thủ tục xin gia hạn như cách mà Dương Thanh cường đã làm đối với khoản vay 170 tỉ.
Về sai phạm đối với việc cho vay tại Agribank Chi nhánh 6, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các hợp đồng tín dụng trị giá 628 tỉ và đã có kết luận: việc cho vay chưa được cấp cho phép, không thẩm định và tái thẩm định các điều kiện vay vốn... là vi phạm pháp luật.
Tại phiên tòa, các bị cáo đứng tên đại diện doanh nghiệp vay các khoản nợ tiếp tục khẳng định mình làm theo chỉ đạo của Dương Thanh Cường.
Bị cáo Phạm Hoàng Thọ (nguyên Phó Giám đốc Thanh Phát) khai được Thanh Cường bổ nhiệm chức vụ giám đốc, phó giám đốc từ năm 2008. Thọ không trực tiếp can dự vào hoạt động của công ty mà chỉ ký các văn bản theo chỉ dẫn của Thanh Cường.
Đại diện Viện KSND TP.HCM phân tích thêm trong thời gian thế chấp 23 giấy tờ đất để Ngân hàng Phương Nam giải ngân 130 tỉ đồng, các bị cáo vẫn được nhận khoản vay của Agribank CN 6.
Như vậy, bằng phương thức luồn lách tinh vi là mượn tài sản thế chấp, các bị cáo cùng lúc vay tiền ở hai tổ chức tín dụng.
Theo Tuổi trẻ