Chuyện khó nói khi nhượng quyền khai thác sân bay Nội Bài

Mong muốn đấu thầu công bằng giữa các hãng hàng không, song lãnh đạo Cục trưởng Hàng không cũng thừa nhận phương án này có thể dẫn đến một tình huống tréo ngoe.
Cuộc chạy đua của hai hãng hàng không giành quyền khai thác ga T1 Nội Bài đang khiến nhà chức trách "khó xử
Cuộc chạy đua của hai hãng hàng không giành quyền khai thác ga T1 Nội Bài đang khiến nhà chức trách "khó xử

Gần 2 tháng sau khi người đứng đầu ngành giao thông công bố chủ trương xã hội hóa việc khai thác sân bay, cuộc đua giữa các hãng hàng không để giành quyền sử dụng hạ tầng, xây dựng "căn cứ địa" đang đến hồi quyết liệt.

Tại hội thảo do Cục Hàng không tổ chức đầu tuần, mong muốn được trao quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài một lần nữa được đại diện Hãng hàng không VietjetAir bày tỏ. Trước đó, hãng bay tư nhân này đã 2 lần gửi công văn gửi Bộ Giao thông xin quyền khai thác toàn bộ nhà ga này. 

Vì là hãng "sinh sau đẻ muộn", Phó tổng giám đốc Vietjet - Nguyễn Đức Tâm cho biết đơn vị này hoàn toàn không có mặt bằng tại sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất. “Vietjet là hãng hàng không duy nhất đi thuê toàn bộ các dịch vụ cung ứng tại các cảng. Hay như ông bà ta hay nói là không một tấc đất cắm dùi”, ông Tâm than thở. 

Quyết tâm của Vietjet phần nào cho thấy cuộc đua vào T1 Nội Bài sẽ rất gay cấn bởi đây là căn cứ chiến lược của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines – đơn vị đang khai thác phần lớn nhà ga này.  Thứ trưởng Giao thông Phạm Quý Tiêu thì khẳng định, trong phương án thí điểm mà Bộ đang hoàn thiện, nếu công trình nào có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, chắc chắn sẽ tiến hành đấu thầu công khai.

Tuy nhiên, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, với trường hợp của nhà ga T1 Nội Bài, việc đấu thầu có thể đưa đến một tình huống tréo ngoe, khiến cơ quan này đang hết sức thận trọng. “Tất cả đều muốn đấu thầu để có sự minh bạch. Có điều nếu làm vậy mà Vietjet trúng T1, trong khi Vietnam Airlines lại được sảnh E thì sợ không thuận lắm”, ông Thanh lo ngại.

Vị Cục trưởng giải thích, sự “không thuận” ở chỗ Vietnam Airlines đang là nhà khai thác chính tại T1, còn Vietjet đang thuê lại sảnh E. Vì vậy dù họ trúng thầu thì cũng khó "đẩy" hãng hàng không quốc gia đi nơi khác. “Về nguyên tắc, đó là điều chắc chắn. Cho nên trong trường hợp này có thể không đấu thầu”, ông Thanh nói, đồng thời thừa nhận đây là tình huống khó xử, phải “báo cáo cấp trên”.

Trao đổi thêm với VnExpress, người đứng đầu Cục Hàng không cho rằng không phải cơ quan quản lý muốn chỉ định thầu trong trường hợp này, nhưng phải đề phòng “kịch bản xấu nhất” để tìm lời giải ngay từ bây giờ. “Chúng tôi cũng đã tính đến một phương án thành lập Công ty cổ phần nhà ga T1 Nội Bài, nhưng đến nay vẫn chưa quyết định chọn cách nào”, Cục trưởng nói.

Tháng trước, tại cuộc họp của Cục Hàng không cũng về vấn đề này, Vietnam Airlines đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ ý tưởng nói trên mà Cục Hàng không nêu ra. Trong khi đó, Vietjet cho hay họ sẵn sàng hợp tác, liên minh với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không để cùng khai thác mà không quan ngại vấn đề xung đột lợi ích.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, kịch bản lập các công ty cổ phần với sự tham gia của nhiều hãng hàng không là một giải pháp tốt để giảm thiểu nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng vị trí độc quyền để gây khó dễ với công ty đối thủ.

Ngoài những phương án nêu trên, người đứng đầu Cục Hàng không còn đưa ra một cách thức khác để kêu gọi tư nhân vào khai thác hạ tầng sân bay là tham gia vào quá trình cổ phần hóa ACV.

Ông Thanhcho biết phương án cổ phần hóa công ty mẹ ACV - đơn vị đang quản lý 21 sân bay, dự kiến sẽ trình Thủ tướng thông qua trong tháng 4 để doanh nghiệp có thể hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.Trước mắt,ACV dự kiếnchào bán cho các nhà đầu tư và các cá nhân 25% cổ phần, sau đó bán tiếp 10% để giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn 65%.

Đại diện Vietjetcho hay họ không mấy mặn mà với lời mời này. Nguyên nhân làdù từng đề xuất được làm đối tác chiến lược khi một doanh nghiệp mặt đất thuộc ACV cổ phần hóa, nhưng rốt cuộc hãng bay này chỉ được mua 4% và không được tham gia vào hội đồng quản trị nên hầu như không có tiếng nói. Trong khi đó, các hãng hàng không khác đều có dịch vụ mặt đất của riêng mình.

Theo Vnexpress