Chuyển đổi số Đà Nẵng: Bắt đầu từ thành phố thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đà Nẵng đã bắt đầu cuộc đua chuyển đổi số toàn diện từ nhiều năm trước, khi chính quyền địa phương bắt tay tìm kiếm những mô hình phát triển mới, trong đó có thành phố thông minh.
Chuyển đổi số Đà Nẵng: Bắt đầu từ thành phố thông minh
Chuyển đổi số Đà Nẵng: Bắt đầu từ thành phố thông minh

Thay đổi từ tư duy

“Chuyển đổi số không phải đập bỏ hoàn toàn, làm mới hoàn toàn. Đó là giải một số bài toán trước đây không làm được, làm nhưng chưa tốt, không đem lại giá trị hay lợi nhuận bằng cách thay đổi mô hình, quy trình nghiệp vụ, kết hợp với công nghệ số, dữ liệu số”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch trả lời báo chí ngày 23/3, ngay sau hội thảo chuyên đề về Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng.

Là một trong những địa phương tiên phong, chuyển đổi số ở Đà Nẵng bắt đầu từ tư duy của chính quyền.

Năm 2019, sau khi có nghị quyết khai xây dựng TP Đà Nẵng do Bộ Chính trị giao, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho hay, Đà Nẵng xác định xây dựng thành phố thông minh không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống qua dựa trên dữ liệu và công nghệ; mà còn là một trong các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Thực tế từ năm 2014, Đà Nẵng đã tiến hành quá trình chuyển đổi số, điển hình là xây dựng thành phố thông minh. Mời chuyên gia tập đoàn IBM tư vấn, Ðà Nẵng ban hành “Ðề án xây dựng thành phố thông minh hơn”, làm cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh.

Năm 2018, Đà Nẵng ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, tập trung vào 6 trụ cột chính gồm: quản trị thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh; giao thông thông minh và công dân thông minh.

Đến hết năm 2020, thành phố này hoàn thành sớm 11 trong số 13 nhiệm vụ Chính phủ giao các địa phương đến năm 2025 tại đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam.

“Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thị công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói.

Đà Nẵng tập trung ba trụ cột chính cho quá trình chuyển đổi số của địa phương là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố thực hiện chính quyền số bao gồm cả các cơ quan đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội. Đối với kinh tế số, tiếp cận theo khái niệm kinh tế số ở phạm vi rộng, bao gồm ngành công nghiệp thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ.

Trong 11 năm liên tiếp, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Cuối năm 2020, Ðà Nẵng nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” .

Chuyển đổi tất yếu

Thuận lợi đối với Đà Nẵng để triển khai chuyển đổi số là thừa kế quá trình xây dựng thành phố thông minh với nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành, hạ tầng được xây dựng đồng bộ. Người dân dần hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến. Trung bình có hai doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân. Tỷ lệ hộ gia đình có in-tơ-nét băng rộng gần 92%, sử dụng điện thoại di động thông minh hơn 91%.

Về mặt chính quyền số, ngoài việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của Chính phủ điện tử, thành phố tiếp tục triển khai các ứng dụng thông minh đã triển khai từ năm 2014. Đến nay năm 2019, Đà Nẵng đã và đang triển khai 53 dự án chính, với kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh đến năm 2025.

Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thế chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Đảng và Nhà nước.

Từ đó, ở mặt kinh tế số, Đà Nẵng chú trọng phát triển tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Thành phố xác định hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN …

Đề án chuyển đổi số đặt mục tiêu đến đến năm 2030 Đà Nẵng thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu về Chuyển đổi số và thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về an toàn thông tin và thương mại điện tử của cả nước. Kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP Thành phố; trong đó công nghiệp ICT chiếm ít là 15% GRDP.

Chuyển đổi số là quá trình tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Địa phương chạy càng nhanh trên đường đua này càng có nhiều cơ hội. Theo dự báo của Tập đoàn dữ liệu toàn cầu (IDC) cho biết, chi tiêu toàn cầu cho chuyển đổi số từ năm 2020 đến năm 2023 dự kiến ​​đạt tổng cộng 6,8 nghìn tỷ USD.

IDC dự đoán đầu tư trực tiếp vào chuyển đổi số sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,5% trên toàn cầu, từ năm 2020 đến năm 2023. Sau khi vắc-xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới, vào năm 2022, 70% các tổ chức trên toàn cầu sẽ tăng tốc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi các quy trình kinh doanh hiện có để thúc đẩy sự tương tác của khách hàng, năng suất của nhân viên và khả năng phục hồi kinh doanh./.