Bà Chanh
Tên bà là Đặng Thị Chanh, sinh năm 1965, có 4 con. Địa chỉ của bà Chanh vừa cụ thể, và vừa mờ mịt. Về danh nghĩa, bà có hộ khẩu tại tổ 29 thuộc phường Vĩnh Niệm. Nhưng thực tế, bà “gần như” không được thừa nhận là công dân tại phường. Oái ăm là chính quyền sở tại xác nhận điều này, và cho rằng điều đó... vô cùng hợp lý.
Sự thể bắt đầu từ chục năm trước, khi bà Chanh bị thu hồi đất lần đầu, mất 824 m2, nhưng chỉ được đền gần 38 triệu đồng, không có đất tái định cư. Bà bảo đất nhà bà bị thu hồi làm công trình công cộng, nhưng kỳ thực sau đó là phân lô bán nền cho cán bộ. Nhờ phát hiện ra điều đó, mà bà được cán bộ “ưu ái” cho mua một lô đất.
Tất nhiên số tiền đền bù chẳng đủ xây nhà mới, thế là bà Chanh bán luôn lô đất. Tiền bán phần đem đi chi phí mổ mắt, đặt stent động mạch vành cho bà, phần đem mua ruộng khu khác. Bà Chanh tính kế dựng vừa lều ở tạm giữ đất, vừa trồng hoa đem bán, kèm chạy chợ.
Người tính không bằng "quan" tính. Khu đất bà mua, sau đó, lại quy hoạch làm khu trung tâm hành chính quận Lê Chân. Lần này thì bà Chanh nguy cơ trắng tay, vì đất của bà chỉ đền bù với giá vỏn vẹn từ 66.000 đồng tới 100.000 đồng/m2.
Đã thế, việc đền bù lại chia làm nhiều phần, thuộc nhiều dự án. Với dự án đang thực hiện, bà Chanh chỉ được đền vài chục triệu đồng như chục năm trước, trong khi giá đất ở giờ đã lên giá hàng chục triệu đồng mỗi m2.
Lý do bà Chanh có nguy cơ bần cùng hóa có thể hiểu được, một cách đơn giản. Theo đó, dù Vĩnh Niệm là phường nội thành đã 15 năm, thì đất của những công dân ở phường - trong đó có bà Chanh -vẫn “được” chính quyền “duy trì” là ruộng.
Ngoài tên gọi, “ruộng” ở phường Vĩnh Niệm hoàn toàn không có giá trị canh tác nông nghiệp, khi hệ thống tưới tiêu đã bị hạ tầng các dự án đô thị phá hủy hơn 15 năm, lại ô nhiễm nặng nề từ nước thải khu dân cư.
Lỗi đó, đương nhiên thuộc về chính quyền, nhưng đó lại đích xác là điều chính quyền cần, vì nó đảm bảo đất sẽ “được thu hồi”, với giá rẻ.
Phần đất bà Chanh bị thu hồi lần này dùng để xây kho chứa vật chứng cho cơ quan thi hành án. Một lãnh đạo phường Vĩnh Niệm giải thích, dự án này dùng vốn ngân sách, nên không có đền bù đất cho bà Chanh. Dù giá đền bù chỉ áp cho đất nông nghiệp và dù ông xác nhận nhà bà Chanh đúng là hộ nghèo của phường.
Vậy là, vì sự to đẹp của dự án kho chứa vật chứng, bà Chanh mất nốt khoảnh “ruộng” với túp lều nát, mà không biết sẽ ở đâu. Bí tiền, lắm bệnh, đông con, bà làm đơn xin vay vốn ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo cũng bị từ chối nốt.
“Cán bộ nói tôi không có chỗ ở ổn định, không có ai bảo lãnh để được vay” – đơn bà Chanh nêu.
Không có nhà ở, không được hỗ trợ, việc triển khai dự án kho chứa vật chứng thi hành án đã “đền bù”cho bà Chanh kết quả ấy – đó là điều lãnh đạo phường Vĩnh Niệm xác nhận, một cách đầy vô cảm.
Bà Yến, bà Huyền
Giáp với phần đất bà Chanh bị thu hồi (phường Vĩnh Niệm) là khu đất 9,3 ha đã được điều chỉnh quy hoạch từ xây khu hành chính quận Lê Chân, sang đất thương mại xây đại siêu thị Aeon Mall (phường Kê Dương).
Thu hút được nhà bán lẻ tầm cỡ thế giới này là một thành công lớn của Hải Phòng. Đã hàng chục năm, thành phố mới có một dự án trung tâm thương mại quy mô lớn đến thế.
Dự án có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, quy mô sử dụng 2.600 lao động, nằm đúng đầu đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 – con đường chạy qua loạt dự án đô thị “tương lai” nhất của thành phố.
Thu hồi đất cho dự án, Hải Phòng đã “vận dụng” triệt để lợi thế “đất ruộng” để bắt bí người dân. Dù hơn ai hết, các cán bộ tại địa phương đều biết đã hơn 15 năm, những diện tích mà họ gọi là “ruộng” này không thể canh tác được, và dân của họ cũng thoát ly nông nghiệp với thời gian lâu không kém.
Hộ bà Yến, bà Huyền nằm trong số 147 hộ dân phường Kênh Dương phải chịu sự bắt bí ấy.
Tại dự án đại siêu thị Aeon Mall, chính quyền tính đền bù đất cho dân Kênh Dương ở mức 100.000 đồng/m2 đất “ruộng”, cán bộ nói đây là mức đền bù “kịch khung”. Và để an ủi, mỗi mét đất, chính quyền “cho” dân - với danh nghĩa “hỗ trợ” – 500.000 đồng.
Lỗi làm dân mất hạ tầng canh tác nông nghiệp nhiều năm đã “chuyển hóa” thành đền bù đúng luật một cách đầy tự nhiên và vô cảm như thế.
Với bà Yến, bà Huyền và một số hộ dân khác, sự vô lý còn được đẩy lên ở mức độ lớn hơn. Trong nhiều chục năm trước, gia đình bà đã đổi đất ở trong làng cho dự án xây dựng trụ sở, phần đất được đổi ấy nằm ngoài đồng - chính là khu vực giờ sẽ xây đại siêu thị Aeon Mall.
Thế rồi bằng cách nào đó, khi thu hồi cho dự án đại siêu thị Aeon Mall – đất đổi này bỗng bị xác định là đất trồng lúa, bất chấp việc các cựu lãnh đạo cũ của địa phương xác nhận đó là đất ở bị đổi ra vị trí bị thu hồi.
Thế nên, bà Yến, bà Huyền, và nhiều hộ dân khác, chỉ được đền bù “kịch khung” là 100.000 đồng/m2 đất, cộng với 500.000 đồng thành phố “cho”. Bà Yến quá cay đắng với kiểu “hỗ trợ” này.
Là cán bộ của thành phố về hưu chưa đầy một năm, bà còn nguyên niềm tin vào sự công minh của hệ thống, cho đến khi thực tế lại chứng minh niềm tin của bà là vô bổ.
“Khi mới có thông tin dự án siêu thị, có người - thấy bảo là người nhà cán bộ - vào hỏi mua đất của tôi với giá 1 triệu đồng mỗi mét. Tôi không bán vì tin sẽ được đền bù cao hơn. Ai ngờ họ đền có 100.000 đồng mỗi mét” – mức đền bù ấy khiến bà Yến choáng. Đâu có riêng bà, mà 147 hộ dân bị mất đất cho dự án đều choáng như thế.
Trái ngược với sự chậm chạp trong giữ quyền lợi, gây thiệt hại lớn cho dân như thế, thì chính quyền lại rất nhanh chóng tổ chức lực lượng để “bảo vệ” nhà đầu tư lập rào chắn, triển khai san lấp, thi công dự án, ngay cả khi người dân vẫn khiếu nại về mức đền bù, thậm chí nhiều người chưa đồng ý bàn giao đất.