“Hịch văn Hội Minh Thề” ra đời như thế!
Vào một ngày đầu tháng 5 chúng tôi có dịp về Hải Phòng, ghé thăm ông Nguyễn Đăng Khoa (ở xóm Đông, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy). Ngồi trò chuyện với vợ ông. Bà kể về ông, bất kể chuyện vui hay buồn, rồi cả chuyện ông chuyên “vác tù và hàng tổng”, vẫn luôn với giọng hài hước đầy trìu mến.
Hai vợ chồng ông sống trong căn nhà cấp 4 bé xíu, tềnh toàng, cũ nát. Trước mặt là vườn rau xanh mướt. Ông là một trong những người cùng các bô lão trong làng làm “sống lại” lời thế “Sống trung thực, không tham nhũng”.
Ngồi chờ ông đến tận 6 giờ tối. Ông về, trên tay là quyển sổ và cây bút. Ông bảo, ông đi họp thôn về. “Nhiều việc quá”- ông nói, vẻ măt đầy áy náy.
Tôi phân trần với ông là muốn tìm hiểu để viết bài về “Hội thề Không tham nhũng” của làng. Đắn đo môt lúc, ông bảo, nói nhiều rồi, cái quan trọng là làm sao thực hiện cho tốt cái lời thề ấy để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.
Ở tuổi 83, cái tuổi đã quá ngưỡng “xưa nay hiếm”, nhưng trong ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông khước từ nói về mình. Ông cũng không cho chụp hình. Ông bảo, chuyện của làng mới đáng nói.
Tôi bảo ông, hôm nay là ngày 3/5 - Ngày Tự do Báo chí thế giới. Ông lặng thinh một lúc như để nghĩ điều gì đó rồi bảo, chỉ nói chuyện lễ hội của làng thôi nhé. Rồi ông kể, theo sử sách lễ hội Minh Thề (hay còn có cách gọi khác là Miêng Thệ) có từ năm 1561 khi Thái Hoàng, Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ Thái thượng hoàng Mặc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật.
Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước. Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước.
Trong thời gian xây dựng, ngoài diện tích chùa, một phần diện tích ruộng vườn được Hoàng hậu Ngọc Toản và những người có chức sắc trong làng chia cho những người trông chùa canh tác, diện tích còn lại được cho cấy khoán. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo trong vùng.
Lương thực dư thừa được tích trữ hàng năm khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái Hậu cùng với dân làng đã lập ra “Hịch văn Hội Minh Thề”. Đối tượng cụ thể là những người đứng đầu trong làng (Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần). Người từ 18 tuổi trở lên trong làng đều tham gia cùng uống rượu tuyên thề.
Sống lại lời thế sau 5 thế kỷ
Nhấp một ngụm trà do người vợ cũng 83 tuổi pha, ông bảo, thời Pháp cai trị nước mình họ thấy lễ hội hướng tới sự trong sạch văn minh và nhân văn họ còn cho dịch ra cả Tiếng Pháp.
“Năm 1996 tôi cùng với một số bô lão trong làng quyết tâm khôi phục lại lễ hội này để, nếu có lúc nào đó, con người sinh lòng tham, nhớ lại lời thề, biết dừng lại mà không làm việc xấu. Hội thề là để sống trung thực không tham tham”- ông Khoa giải thích cho tôi.
Năm 2001, nhân ngày đón Huân chương kháng chiến cho đền, lễ hội “Hịch văn Hội Minh Thề” được chính quyền địa phương và người dân trong làng khôi phục và giữ nguyên được giá trị văn hóa thời xưa.
Lễ hội Minh thề, có nơi gọi là Miêng thề, với ý nghĩa là “Thề minh bạch”, là phần mở đầu của lễ hội đền - chùa Hòa Liễu diễn ra trong 3 ngày. Phần khai hội được tổ chức hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, thu hút đông đảo tao nhân, mặc khách và người dân gần xa.
Đứng trước lễ đường, vị trưởng lễ nhận dao theo phong tục, xoay người một vòng, cắm mạnh dao xuống đất thể hiện ý chí. Sau đó, vị chủ tế đọc Hịch văn tế có đoạn: “Phàm kẻ nào thực thi công vụ, dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ; dĩ công vi tư, nguyện chư thần đả tử. Y như văn thề” (Ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt).
“Di sản văn hóa phi vật thể”: tại sao không?
Ông Khoa bảo, ngày 14 tháng Giêng năm 2017, có cả ngàn người dự lễ, nhưng cũng chỉ có mấy người làm trưởng thôn vào thề . Trả lời báo chí một vị ở Huyện ủy Kiến Thụy bảo, đây là lễ hội tâm linh của thôn từ xưa chỉ quan lại trong thôn vào thế thôi. Còn các vị ấy không vào thề vì khi vào Đảng đã thề rồi.
“Ai cũng biết trưởng thôn ở làng quê bây giờ là người có nắm trong tay tài sản gì như xưa đâu. Còn tham nhũng đa số là những người có quyền lực. Họ lợi dụng quyền lực để trục lợi cho riêng mình. Đa số các vị có chức sắc tham nhũng là Đảng viên. Thế mà khi vào Đảng họ cũng đã thề”- ông Khoa nói
Tôi hỏi ông sao không đề nghị nhân rộng mô hình thề này ra các địa phương khác. “Cái này là việc của chính quyền đoàn thể, chứ tôi và dân làng có muốn cũng không được”- ông cười nhưng không vui…
Rồi ông bảo, cách đây 1 tháng chúng tôi làm hồ sơ để xin cho hội thề của làng được là Di sản văn hóa phi vật thể.
“Dân làng tôi làm nông nghiệp là chính. Cả làng chỉ ba nhà có xe ô tô, hai chiếc 4 bánh và một chiếc xe tải nhỏ. Hai chiếc xe này không phải xe sang ai thuê chở người khi phải cấp cứu nhập viện hoặc có việc gì cần đi ban đêm thì cũng tiện, còn một chiếc là xe tải nhỏ chở vật liệu, nông sản… phục vụ sản xuất thôi”- ông Khoa cười.
“Để người dọn rác không phải cúi”
Bà vợ ông xuống bếp chuẩn bị củi để nấu bữa tối, tôi mới nhìn kỹ những giấy khen bằng khen mà ông bà được tặng thưởng treo trang trọng dưới ảnh Bác Hồ. Qua những gì ghi trên những giấy khen, bằng khen mới biết ông từng là nhà giáo, Chánh văn phòng Huyện ủy Đồ Sơn, Chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đà Nẵng…
Tôi lại tiếp tục: “Sao thấy mô hình của thôn làm mọi người sống với nhau thân thiện, không cãi và trộm cắp không lừa đảo… bác không đề nghị nhân rộng ra?”. Ông nhìn tôi như muốn để tôi hiểu điều ông nghĩ rồi ông bảo, mình chỉ làm được ở làng này thôi. Mong muốn là vậy nhưng tiến hành nó là việc của chính quyền và đoàn thể. Mọi người trong làng tôn trọng lời thế. Không có tệ nạn xã hội, không cãi vã, đánh nhau. Các cháu đến tuổi đều thực hiện rất tốt nghĩa vụ quân sự. Chỉ buồn là có hơn chục cháu tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp ở nhà cày ruộng”- ông trầm ngâm.
Tôi bảo ông, có ai đó nói chống tham nhũng như quét cầu thang. Muốn cầu thang sạch phải quét từ trên xuống mới được.
Ông bảo, thôi, nếu dân làng tôi ví như một bậc cầu thang thì vì thề mà sống với nhau được như vậy cũng quý rồi, khác nào đã quét được một bậc cầu thang sạch!
Người làng bảo, ông Khoa có thời làm quan cũng to nhưng có tới 8 người con thì chỉ một người thoát ly nay đã nghỉ hưu và một người đang phục vụ trong quân đội, còn 6 người đều làm nông dân cày cuốc. Đời sống cũng bình thường như bao người khác trong làng. Rồi họ bảo, dân làng này xem tivi thấy họ xô nhau cướp ấn đền Trần mà cứ ao ước, giá mà Lễ hội thề trung thực, không tham nhũng của làng này cũng được người ta chen chân nhau vào thề thì vui biết mấy…
Biết là thời của ông bà sinh nhiều con là điều chẳng ai cấm, nên tôi đùa: “Hai bác có những 8 người con là cũng “tham nhũng” tình cảm đấy”. Ông nhìn bà đang từ bếp xách ấm nước lên nhà cười vui vẻ, định nói gì đó nhưng lại thôi..
Đã 7 giờ 30 tối, đèn đường thôn tỏa sáng, người đi gom rác đẩy chiệc xe đi thu gom qua những chiếc thùng treo trước ngõ các nhà ngang tầm tay người. Thấy vậy, tôi hỏi chị dọn vệ sinh: “Ở đây thùng rác nào cũng treo thế à?”. Chị bảo: “Dân làng làm thế để người dọn rác không phải cúi”.