Dù có vay thêm 200 triệu đô la từ Trung Quốc cho dự án này, chẳng ai dám cam kết về tiến độ của công trình đã bao lần giãn tiến độ, đội vốn, và gây tranh cãi này.
Đó là dấu hiệu buồn khi giao thông ở thủ đô ngày càng hỗn loạn và tắc nghẽn. Xe đạp, xe máy, ô tô…; công chức, giáo viên, phu hồ, quan chức, học sinh,… tranh nhau từng xăng-ti-mét đường, hở ra là lấn, là chèn mà chả cần gì đến liêm sỉ, tự trọng. Đây cũng là tình trạng đang diễn ra tại TPHCM.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, đến cuối năm 2015 Hà Nội và TPHCM có gần 12 triệu mô tô, xe máy trong tổng số gần 49 triệu xe được đăng ký trong cả nước.
Câu chuyện giao thông là hệ lụy của đô thị hóa bùng nổ ở Hà Nội và TPHCM. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 50% diện tích đất đô thị của cả nước tập trung ở hai thành phố này, và 75% tăng trưởng không gian đô thị mới cũng tập trung ở đây. Khu vực Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội) và khu vực Đông Nam bộ (bao gồm TPHCM) chiếm khoảng 2/3 nhu cầu nhà ở hàng năm, tương đương 244.000 trên tổng số 374.000 căn hộ. WB khẳng định, hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM sẽ dẫn đầu về phát triển đô thị trong trung hạn.
Trích dẫn vậy để thấy, giao thông ở hai thành phố lớn nhất nước này vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề rất lớn trong tương lai.
Chính quyền thủ đô đang tính đến phương án hạn chế xe máy, ô tô. Chủ đề này ngay lập tức gây tranh cãi của người dân, báo chí, hệt như những chủ đề tương tự trước khi nó được đưa ra thảo luận trong suốt 15 năm qua.
Hạn chế xe máy ngoại tỉnh ư? Người dân sẽ lại đổ xô mua xe biển số Hà Nội – như những lần trước đây hạn chế xe với người có hộ khẩu Hà Nội, thì họ thuê đăng ký tỉnh khác rồi mang về thủ đô. Thực tế hơn một chút, lực lượng đâu ra để “xử lý” những xe ngoại tỉnh, và “xử lý” như thế nào?
Hạn chế xe máy ư? Không một nhà hoạch định chính sách nào dám làm như vậy. Chắc chắn dân chúng sẽ nổi loạn. Cần nhớ xe máy vẫn là cần câu cơm hàng ngày theo đúng nghĩa. Nông dân, người buôn bán không chở rau quả, gà lợn vào cung cấp cho Hà Nội, và TPHCM bằng xe máy thì bằng xe gì? Hơn nữa, thử hình dung xem hai thành phố lớn nhất nước này mà thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm thì tình hình sẽ như thế nào? Tất cả mọi hoạt động sẽ tê liệt.
Cấm xe ô tô ư? Các nhà hoạch định chính sách chẳng có ai “lấy đá ghè chân mình”. Họ không đi xe công thì đi bộ, đi buýt chắc? Đương nhiên là không rồi.
Nói vậy để thấy, các chính sách đưa ra sẽ vẫn là dân túy, chiều lòng số đông. Ngay thời hạn bắt đầu đề án hạn chế xe máy là năm 2020, tức sang nhiệm kỳ khác, đã cho thấy điều này.
Song thực sự, phải có giải pháp nào đó.
Về dài hạn, vẫn phải chuyển bớt các trường đại học, các bệnh viện, các cơ quan thu hút nhiều lao động ra khu vực ngoại thành. Ý tưởng này từng có cách đây gần 10 năm, tiếc là bất ổn kinh tế kéo dài mãi nên chẳng thực hiện được. Nhìn rộng hơn, các tỉnh cần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm việc làm để người sinh viên quay trở về địa phương làm việc, chứ không chen chân về Hà Nội hay TPHCM.
Về ngắn hạn, cần hạn chế ô tô bằng cách, cứ vào khu vực nội thành thì thu phí thật cao. Cái này cả thế giới văn minh họ làm, chả có gì phải bàn cãi, nghiên cứu. Thu như thế nào thì cần tính thêm, nhưng chắc chắn cơ sở hạ tầng điện tử ở ta đáp ứng được.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh hệ thống giao thông công cộng, cải thiện dịch vụ. Cứ dây dưa, như dự án Cát Linh – Hà Đông, thì vừa lãng phí, vừa chẳng gây dựng được lòng tin của người dân vào hệ thống giao thông công cộng.
Còn xe máy chưa nên đụng vào ngay. Một chính sách không thể đụng chạm đến lợi ích, quyền lợi của đa số nếu muốn thành công.
Tóm lại, cần có hành động sớm, có tâm, có tầm nhìn từ các nhà hoạch định chính sách mới mong giải quyết một phần vấn đề. Bằng không, tất cả chúng ta vẫn cùng nhau tắc nghẽn nhiều năm nữa. Chúng ta tiếp tục tranh gìành từng xăng-ti-mét, chẳng cần quan tâm gì đến liêm sỉ, tự trọng.