Chưa biết Chữ Quốc ngữ, liệu có thể học được Chữ Việt Nam song song 4.0?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Buổi tranh luận trực tuyến về Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0) đã diễn ra vào tối 10/9/2022. Các tác giả của CVNSS 4.0 đã chứng minh ưu thế về sản phẩm, còn những người phản biện chỉ ra nhược điểm của nó.
Buổi tranh luận trực tuyến về Chữ Việt Nam song song 4.0 chỉ có không đến 20 người tham gia
Buổi tranh luận trực tuyến về Chữ Việt Nam song song 4.0 chỉ có không đến 20 người tham gia

Mở đầu buổi tranh luận, TS. Nguyễn Ái Việt - người tổ chức sự kiện này - cho biết, hàng tháng ông đều tổ chức các buổi tranh luận trực tuyến để đông đảo cộng đồng mạng có thể tranh luận về những thực tế còn đang tranh cãi mà Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0) cũng đang được xã hội quan tâm.

Ông Ái Việt mong muốn, qua buổi tranh luận này, các tác giả của CVNSS 4.0 có thể chứng minh được ưu thế về sản phẩm của mình và những người phản biện cũng có thể chỉ ra những nhược điểm của nó.

Sau đó, ông Trần Tư Bình – đồng tác giả CVNSS 4.0 - đã “vào cuộc” với việc đề cập đến những nhược điểm của chữ quốc ngữ (CQN), như không thuận cho việc viết các dòng trạng thái của tiếng Việt khi lập trình, cùng việc không năng suất trong việc nhập liệu và soạn thảo…

Ông cũng cho biết, CVNSS 4.0 có 52 quy tắc để có thể soạn thảo tiếng Việt trên máy tính và điện thoại thông minh với việc sử dụng 26 chữ cái Latinh mà không dùng đến các thanh dấu với số lượng thao tác ít hơn việc dùng mã telex để soạn thảo tiếng Việt với CQN. Như vậy, việc sử dụng CVNSS 4.0 sẽ không cần đến bộ gõ tiếng Việt, để khỏi tốn dung lượng cài đặt với máy tính và điện thoại thông minh.

Hiện tại, các tác giả đã xây dựng giáo trình cho việc dạy và học CVNSS 4.0 và sẽ chính thức xuất bản trong thời gian tới để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp nối ý kiến của ông Trần Tư Bình, TS. Trần Quốc Khánh đã đề cập đến những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cho biết hiện đã có cả những phần mềm nhận dạng tiếng nói, ngay cả với tiếng Việt. Theo đó, thay vì phải gõ văn bản vào máy tính, người ta có thể nhập dữ liệu bằng giọng nói để máy tính nhận dạng với độ chính xác rất cao.

Như vậy theo ông Khánh, cách nhập liệu bằng soạn thảo không còn là ưu thế nữa và việc ra đời CVNSS 4.0 để làm điều đó không có gì là mới mẻ cùng những hiệu quả thiết thực.

Đến đây, ông Trần Tư Bình đề cập về thực tế của các ngành hàng không, ngân hàng… đang hiển thị tên khách hàng của họ bằng CQN không dấu. Điều này đang là nhược điểm và có thể dẫn đến hiểu nhầm với nhiều người. Do đó, nếu sử dụng CVNSS 4.0 thì sẽ khắc phục được nhược điểm này.

Về thực tế nói trên, TS. Nguyễn Ái Việt cho biết, ngay cả với nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cùng nhiều nước không sử dụng CQN theo dạng Latinh, thì thông tin về khách hàng của nhiều lĩnh vực cũng sử dụng chữ Latinh. Điều này đã trở thành hết sức bình thường và về cơ bản, cũng không có sự hiểu lầm, tranh chấp với khách hàng của các dịch vụ. Do đó, các nhà cung cấp không nhất thiết phải tìm đến một giải pháp mới cho việc này.

Thừa nhận trong hoạt động lập trình, các ngôn ngữ lập trình về cơ bản chưa hỗ trợ với bộ mã Unicode đã trở nên thông dụng với nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, một lập trình viên cho biết điều này có thể khắc phục bằng cách soạn các chú thích tiếng Việt trong khi lập trình bằng nguyên mã telex và nếu cần hiển thị ra giao diện của sản phẩm thì dùng các tool chuyển đổi để trả lại nguyên bản bằng CQN có dấu.

Đề cập đến vấn đề ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ông Trần Tư Bình cho rằng nên áp dụng CVNSS 4.0 với các ngôn ngữ chưa có chữ viết. Điều này sẽ là tối ưu so với vận dụng CQN để xây dựng chữ viết cho các dân tộc này.

Phản hồi lại, TS Trần Quốc Khánh nêu quan điểm rằng việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số hoàn toàn không thể làm một cách chủ quan, mà phải có những nghiên cứu sâu sắc cùng phương pháp khoa học rõ ràng. Do đó, việc áp dụng CVNSS 4.0 cho việc này mới chỉ là quan điểm riêng của các tác giả và có lẽ không dễ thuyết phục các nhà ngôn ngữ học đang làm công việc này.

Với câu hỏi của TS Nguyễn Ái Việt về việc liệu rằng người chưa biết CQN có thể học được CVNSS 4.0 hay không, ông Trần Tư Bình không trả lời một cách trực tiếp mà trao đổi sâu về những ưu điểm của CVNSS 4.0. Theo ông, CVNSS 4.0 không có gì là khó học, thậm chí, dễ hơn rất nhiều so với việc học ngoại ngữ của người Việt Nam.

Phóng viên của VietTimes đã nhiều lần làm việc riêng với ông Kiều Trường Lâm – đồng tác giả của CVNSS 4.0 và được biết, các con của ông Lâm vẫn còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học. Ông Lâm hiện vẫn chưa dạy thử CVNSS 4.0 cho các con mà sẽ chờ đến khi các cháu chính thức vào tiểu học mới dạy.

Sau gần 2 tiếng tranh luận, một lần nữa ông Trần Tư Bình nhắc lại là CVNSS 4.0 chỉ là để sử dụng song song với CQN. Ai thấy thuận lợi cho công việc của mình thì có thể sử dụng. Ai không thích thì không dùng.

Kết thúc buổi tranh luận trực tuyến, TS Nguyễn Ái Việt không đưa ra kết luận nào về CVNSS 4.0 mà chỉ đưa ý kiến rằng đây là một buổi tranh luận bổ ích và qua đó các tác giả của CVNSS 4.0 và những người phản biện đã bày tỏ được quan điểm của mình và nhìn thấy được các thực tế với sản phẩm này.