Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Nhiều kỳ vọng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Đà Nẵng kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ được hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021, đây là động lực để thành phố huy động tất cả các nguồn lực để phục hồi.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Năm 2020 là năm đầu tiên sau hơn 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng kinh tế tăng trưởng âm. Sự sụt giảm đó khiến Đà Nẵng bắt đầu nhiệm kỳ mới 2020-2025 đầy khó khăn và thách thức. Vậy Đà Nẵng sẽ làm gì để khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo đà trong những năm tiếp theo, là nội dung cuộc trao đổi của PV VietTimes với ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

- Năm 2020 là năm Đà Nẵng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và thiên tai nên gặp nhiều khó khăn. Xin ông chia sẻ đôi nét về tình hình kinh tế của Đà Nẵng trong năm 2020?

Ông Lê Trung Chinh: Đúng là năm 2020 Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và đời sống người dân.

Kinh tế TP Đà Nẵng năm 2020 đạt mức tăng trưởng thấp so với kế hoạch. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) ước chỉ đạt 101.233 tỷ đồng, giảm 9,77% so với năm 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19, nhất là ngành du lịch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 21.742 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã làm hơn 191.500 người lao động bị ảnh hưởng, hơn 40.326 lao động tự do không có việc làm, số người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng...

- Đà Nẵng đang đối mặt với những khó khăn và thách thức gì để có thể quay lại đà tăng trưởng, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Cho đến năm 2019, quy mô GRDP TP vẫn tăng bình quân 7,5%/năm cho giai đoạn 2016-2019, và cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Việc tăng trưởng âm của năm 2020, nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và việc thành phố Đà Nẵng phải thực hiện 2 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cần phải nhấn mạnh rằng thời gian diễn ra đợt dịch COVID-19 lần 2 tại TP Đà Nẵng cũng là thời gian cao điểm thu hút du lịch của TP với nhiều chương trình, sự kiện vào mùa hè để phục hồi nền du lịch bị ảnh hưởng sau đợt COVID-19 lần đầu tiên đã được lên kế hoạch, nhưng cuối cùng phải hủy bỏ. Với cơ cấu kinh tế với ngành dịch vụ chiếm 65%, việc sụt giảm các chỉ tiêu như trên đã gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của TP trong năm 2020.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nên các ngành sản xuất ưu tiên của thành phố như công nghiệp công nghệ cao, điện tử, thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ô tô… và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành này cũng bị ảnh hưởng lớn: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 10,7% so với năm 2019, trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 11%.

Trước tình hình đó, TP cũng đã xem xét, điều chỉnh, đặt mục tiêu cơ cấu kinh tế đến năm 2025, trong đó dịch vụ vẫn đóng vai trò chính, quan trọng trong cơ cấu kinh tế của TP. Tuy nhiên, TP cũng đặt ra các mục tiêu, giải pháp để phát triển, tăng thêm cơ cấu của lĩnh vực công nghiệp – xây dựng trong thời gian đến. Bên cạnh đó, TP cũng tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai...

Một góc TP Đà Nẵng

Một góc TP Đà Nẵng

- Vừa qua, tại Hội nghị Thành uỷ, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ 6%, đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có ý kiến cho rằng mục tiêu còn rất khiêm tốn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Trung Chinh: Nói về vấn đề này cũng cần nói đến những kết quả mà Đà Nẵng đã làm được trong thời gian qua.

Trước tiên đó là Đà Nẵng đã kịp thời khống chế, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Tính từ ngày 24/7 đến ngày 25/9, Đà Nẵng ghi nhận 389 ca mắc COVID-19, xác định 11.621 đối tượng F1, 15.967 đối tượng F2, xét nghiệm 327.342 lượt người và điều trị khỏi cho 355 trường hợp... Và cho đến nay, cùng với cả nước, Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Vấn đề thứ hai là tính đến ngày 30/11/2020, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 16 ngàn tỷ đồng đối với dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, gấp 1,9 lần về vốn so với cùng kỳ 2019 và thu hút được hơn 2 ngàn tỷ đồng đối với các dự án trong nước trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.

Không những vậy, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, các kết luận thanh tra, đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, Đà Nẵng cũng đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đến ngày 30/11/2020, tổng giá trị giải ngân ước đạt 5.656 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 46% kế hoạch do HĐND TP giao.

Như vậy, Đà Nẵng cũng đã đạt được những kết quả để làm tiền đề cho sự phát triển trở lại trong năm 2021 và những năm về sau.

Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của Đà Nẵng trong năm 2021 là vấn đề lớn, được Thành uỷ, UBND, HĐND đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa có hồi kết. TP cân nhắc trên cơ sở xem xét nhiều kịch bản diễn biến khác nhau của dịch bệnh COVID-19, trong tình huống vẫn chưa xác định được thời điểm các chuyến bay thương mại quốc tế được mở lại, vaccine phòng bệnh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở nhiều quốc gia; sự tác động nặng nề của dịch bệnh khiến sức khoẻ doanh nghiệp và nền kinh tế chưa thể hồi phục sớm… Do vậy, theo tôi, chỉ tiêu đạt tăng trưởng 6% so với năm 2020 là con số phù hợp.

Đà Nẵng kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng Đà Nẵng tăng trong năm 2021 (Ảnh hoạt động xếp dỡ hàng hoá tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng)

Đà Nẵng kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng Đà Nẵng tăng trong năm 2021 (Ảnh hoạt động xếp dỡ hàng hoá tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng)

- Mặc dù khó khăn, nhưng đứng góc độ vĩ mô, dư địa tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng vẫn còn rất lớn, vậy Đà Nẵng sẽ làm gì để quay lại đà tăng trưởng?

Ông Lê Trung Chinh: Việc khôi phục kinh tế, tạo đà để Đà Nẵng tăng trưởng trở lại là vấn đề mà Thành uỷ, UBND và nhân dân TP đang tập trung quyết liệt thực hiện. Việc chọn chủ đề năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống chính trị đặt ra cho địa phương không chỉ của năm 2021 mà của cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện nay, TP tập trung chỉ đạo các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội; vừa đẩy mạnh các hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Cũng cần nhìn nhận dịch bệnh COVID-19 và việc giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng là động lực cho một số doanh nghiệp tìm cơ hội để tìm ra hướng đi mới, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, đổi mới, sáng tạo ra các sản phẩm mới để đáp ứng, phù hợp với tình hình thị trường hiện tại.

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng có nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do lớn như RCEP, Việt Nam - Israel, khối EFTA… là những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu sản phẩm hoặc tìm nguồn cung nguyên liệu khác để bổ sung, thay thế cho các thị trường hiện tại đã và đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đặc biệt, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 28/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng…

Đà Nẵng sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết, nhất là ban hành các quy định để triển khai cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực về quy hoạch, tài chính, ngân sách, cơ chế sử dụng khoản thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

TP kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ được hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021, đây là động lực để TP huy động tất cả các nguồn lực cả về nguồn lực tài nguyên, đầu tư, thể chế, cơ chế chính sách đến nguồn nhân lực để có thể tận dụng tối đa các cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!