Đà Nẵng kỳ vọng du lịch năm 2021 tăng gấp 2 lần so với 2020 có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Mục tiêu mà Sở Du lịch Đà Nẵng đặt ra trong kịch bản lạc quan và khá cao. Trong khi đó, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn rất khó đoán trước nên rất cần tạo dòng khách đến với địa phương” – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Một góc đô thị Đà Nẵng
Một góc đô thị Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng - đánh giá về vấn đề khó khăn nhất của du lịch thời điểm hiện tại .

Kịch bản lạc quan

Sở Du lịch Đà Nẵng vừa cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế TP và khôi phục ngành du lịch địa phương, sở này vừa xây dựng kịch bản khôi phục lại ngành du lịch và đặt mục tiêu phát triển trong năm 2021 cho ngành du lịch địa phương.

Cụ thể, Đà Nẵng kỳ vọng tổng thu du lịch năm 2021 ước đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với ước thực hiện năm 2020. Đối với khách tham quan, Đà Nẵng kỳ vọng ước đạt gần 5,7 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với ước thực hiện năm 2020, trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,05 triệu lượt và khách nội địa ước đạt từ 4,6 triệu lượt.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên ngành du lịch Đà Nẵng khó khôi phục lại hoàn toàn trong năm 2021 và dự kiến phải đến năm 2022 hoặc năm 2023 mới có thể phục hồi lại như năm 2019.

“Chúng tôi đã xây dựng một loạt các chương trình kích cầu du lịch, tổ chức các sự kiện, lễ hội theo nhiều đợt, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, thu hút khách và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch,… liên tục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021”- lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Du khách đến với Đà Nẵng trong mùa dịch COVID-19 năm 2020

Du khách đến với Đà Nẵng trong mùa dịch COVID-19 năm 2020

Cũng theo lãnh đạo sở này, Đà Nẵng đang tăng cường công tác xúc tiến thị trường, truyền thông quảng bá du lịch đến các thị trường có khả năng trao đổi khách nội địa và chuẩn bị triển khai khôi phục thị trường quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Đà Nẵng còn phối hợp với các ngành liên quan tập trung giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý, môi trường du lịch, giao thông, an ninh an toàn,... để khôi phục ngành du lịch.

“Với những kế hoạch thúc đẩy thị trường, hy vọng những kết quả đạt được sẽ như mong đợi” - lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc hoàn thành mục tiêu mà Sở Du lịch đặt ra đang đứng trước những thách thức lớn.

“Đó là mục tiêu được Sở Du lịch đặt ra trong kịch bản lạc quan và khá cao. Trong khi thực tế tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn rất khó đoán trước, nên để đạt được mục tiêu, cần theo dõi diễn biến tình hình kiểm soát dịch bệnh từ các thị trường và chủ trương của Chính phủ để có biện pháp điều chỉnh phủ hợp”- ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, chia sẻ.

Không chỉ ông Dũng mà nhiều chủ doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng cần xây dựng kịch bản thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút dòng khách về địa phương và phải gắn liền với đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Song song đó, Đà Nẵng cần quan tâm đến sức khoẻ của doanh nghiệp, bởi thực tế, các doanh nghiệp đã gặp quá nhiều khó khăn trong năm 2020, việc hình thành sản phẩm du lịch mới, quy mô trong năm 2021 sẽ chậm và khó thực hiện do thiếu vốn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sau dịch bệnh, môi trường kinh doanh du lịch đối mặt với nhiều tiềm ẩn rủi ro, cạnh tranh không lành mạnh và nhất là nguồn nhân lực du lịch đang bị phân tán, sẽ khó đáp ứng nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, việc cần làm trong thời gian tới là cơ quan quản lý phải chấn chỉnh lại vấn đề này cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động lại hoạt động.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng

“Theo tôi, vấn đề của doanh nghiệp bây giờ là không có du khách, mà không có du khách là không có dòng tiền. Và các doanh nghiệp không thể trả các khoản chi phí cho dù đã rất tiết kiệm. Nếu doanh nghiệp có tài sản lớn, vay nợ sẽ nhiều, nhân viên nhiều sẽ gặp khó khăn nhiều nhất" - ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, tình trạng khó khăn kéo dài sẽ đẩy doanh nghiệp đối diện với nguy cơ đóng cửa, phá sản, nên vấn đề là cần quảng bá, thu hút dòng khách đến với địa phương. Chính vì vậy, bên cạnh việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng, rất cần sự quan tâm đến thực trạng sức khoẻ của doanh nghiệp.