Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chiều 29/3, phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Chuyển đổi số là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là chủ đề có thế mạnh vì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia và là quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; các Ủy ban: Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đối ngoại; Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ… cùng dự cuộc làm việc.

Tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á

Theo Báo cáo đánh giá sự phát triển của ngành thông tin, truyền thông giai đoạn 2021 - 2022 và định hướng giai đoạn 2023 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm qua đạt 12,4%, gấp 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông đạt 3.893.595 tỷ đồng; nộp ngân sách 98.982 tỷ đồng; lao động toàn ngành đạt 1.510.027 người.

Trong nhiệm kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ chủ trì xây dựng các dự án sửa đổi Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Bưu chính; xây dựng dự án Luật Chính phủ số.

Theo Báo cáo kết quả chuyển đổi số của Việt Nam, chuyển đổi số ở Việt Nam gồm 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về Chính phủ số, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia về Chính phủ số, Chính phủ điện tử; xếp thứ 76/193 quốc gia về dịch vụ công trực tuyến; xếp thứ 87/193 quốc gia về dữ liệu mở; Chỉ số Chính phủ số thuộc nhóm quốc gia ở mức cao (0,6787). Việt Nam xếp hạng 25/193 quốc gia về an toàn, an ninh mạng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam theo số liệu ước tính năm 2021 của Google Temasek tăng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài, tăng 20%. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2025 đạt khoảng 20%.

Thể chế đi trước, mở đường

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả công tác mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số. “Các đồng chí đã khẳng định chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, vì thể chế phải đi trước, mở đường. Chúng ta lựa chọn chủ đề này cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với hàm ý là Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều việc về thể chế, chính sách”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các chuyên đề mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, trong đó có chuyên đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, “Chuyển đổi số và phát triển bền vững, giải quyết các bài toán thiên niên kỷ”, “Chuyển đổi số và thể chế số”, “Chuyển đổi số và chủ quyền số”… Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhờ cuộc cách mạng chuyển đổi số, việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ sẽ có tính đột phá hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia tích cực hơn vào việc chuẩn bị các nội dung của hội nghị; cử đại diện tham gia Ban Tổ chức Hội nghị và Tiểu ban Nội dung. Ban Tổ chức sẽ phối hợp với Tiểu ban Nội dung lựa chọn chủ đề của các phiên thảo luận để gửi các nghị viện thành viên, Tổng Thư ký IPU; sớm chuẩn bị khung văn kiện và Tuyên bố chung.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những thông điệp quan trọng cần lan tỏa tại Hội nghị. Đó là “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”; “Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc chuyển đổi số, tất cả các quốc gia đều có thể phải quay về điểm xuất phát”; “Tương lai không chỉ đơn thuần là đường kéo dài của quá khứ, vì sẽ có những đột phá mang tính phá hủy. Khi ấy các mô hình kinh doanh, sản xuất cũ không còn đất để tồn tại”; “Việc xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho chuyển đổi số là rất quan trọng, hệ sinh thái bao gồm cả nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực”; “nói đến chuyển đổi số là nói đến chủ quyền số quốc gia, an toàn - an ninh mạng, niềm tin số”…

“Đây là cuộc chơi mang tính toàn cầu, mình không thể đứng ngoài, phải tận dụng mọi cơ hội vì tiềm năng của chúng ta rất lớn. Nhưng đồng thời phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội mong Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Hội nghị; cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia công tác tổ chức triển lãm, trong đó có triển lãm về các sản phẩm OCOP, trong khuôn khổ Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng bức tranh 3D biểu tượng Nhà Quốc hội cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Lĩnh hội các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành Thông tin và Truyền thông là ngành về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ nhưng tất cả đều xoay quanh công nghệ số, là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đảng, Nhà nước đã xác định đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Chuyển đổi số tạo cơ hội để giải quyết các bài toán lớn kéo dài, các bài toán thiên niên kỷ của Việt Nam, tạo ra cơ hội để giải quyết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chuyển đổi số cũng tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo.

Báo chí xuất bản và truyền thông đang dần hội tụ thành truyền thông số. Sứ mệnh là xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, tạo dựng sức mạnh tinh thần để phát triển đất nước.

Bộ lĩnh hội các chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là xây dựng và hoạch định thể chế số, mở đường cho chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu; phối hợp tổ chức công tác thông tin và tuyên truyền về hội nghị với tinh thần hội nghị là sự kiện đối ngoại đa phương, trọng tâm của đối ngoại Quốc hội trong năm 2023; cam kết về chất lượng và thời gian đối với các dự án luật do Bộ chủ trì soạn thảo, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội; chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia xây dựng Quốc hội điện tử, nhất là phần mềm AI để phát hiện mâu thuẫn thể chế giữa các luật, giữa luật với các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, nhất là khi ban hành luật mới có mâu thuẫn với các luật hiện hành hay không; phát triển cho mỗi đại biểu Quốc hội một trợ lý ảo.

Bộ đưa ra đề xuất như là đóng góp của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội toàn cầu, gồm 3 nội dung, gồm: Ngành Thông tin và Truyền thông có thể hỗ trợ kết nối hội nghị truyền hình với và giữa các Quốc hội toàn cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu về luật pháp toàn cầu bằng tiếng Anh đi cùng công cụ tìm kiếm trợ lý ảo để Quốc hội các nước có thể khai thác tri thức, thể chế toàn cầu; xây dựng nền tảng số, nhắn tin, trao đổi bằng text để các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội tương tác, trao đổi trong môi trường đa ngôn ngữ.

Theo Thông tấn xã Việt Nam