Chủ tịch Quốc hội: Cán bộ cứ yếu thì đưa về HĐND

 Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói bản thân bà trưởng thành từ địa phương nên biết thực trạng của HĐND các cấp là "cứ cán bộ yếu hoặc cán bộ không bố trí được vào đâu thì đưa về HĐND".
Chủ tịch Quốc hội: Cán bộ cứ yếu thì đưa về HĐND
Chủ tịch Quốc hội: Cán bộ cứ yếu thì đưa về HĐND

Sáng nay 25-4, phiên họp thứ 47 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII khai mạc tại tòa nhà Quốc hội, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến quy định chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND, có 2 phương án được đưa ra: Phương án một là giữ nguyên như hiện hành, và phương án hai là tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả ba cấp, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh.

Cũng theo dự kiến của Bộ Nội vụ, tổng số đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 khoảng 324.551 đại biểu. Con số này tăng 21.903 đại biểu so với nhiệm kỳ 2011 - 2016. Nguyên nhân là do tổ chức lại HĐND ở huyện, quận, phường của 10 tỉnh, TP và do tăng dân số. Trong đó có 3.842 đại biểu cấp tỉnh, 25.140 đại biểu cấp huyện và 295.569 đại biểu cấp xã.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu HĐND theo phương án 1 (hiện hành) là 1.461,4 tỉ đồng/năm. Bộ trưởng Tân cho biết thực hiện phương án này sẽ bảo đảm được tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/2008 của Ban Bí thư Trung ương và mức phụ cấp trách nhiệm công việc cao nhất quy định tại Nghị định số 204/2004 của Chính phủ nhưng sau hơn 10 năm thực hiện nhiều địa phương đề nghị tăng thêm để góp phần động viên, khuyến khích các đại biểu khi mức lương cơ sở còn thấp.

Phương án 2, tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự toán ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phí của 324.551 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 nếu thực hiện phương án 2 là khoảng 1.932,6 tỉ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng).

Như vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ngân sách nhà nước phải bố trí sẽ tăng thêm khoảng 471,2 tỉ đồng/năm và mức hoạt động phí của đại biểu HĐND sẽ phát sinh bất hợp lý (cao hơn) với mức phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bản thân bà trưởng thành từ địa phương nên biết được thực trạng của HĐND các cấp là "cứ cán bộ yếu hoặc cán bộ không bố trí được vào đâu thì đưa về HĐND". Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kỳ tới cần chuẩn bị người có năng lực thì mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Theo bà Ngân, bây giờ tăng ngân sách là trái nguyên tắc. Do đó, chỉ có thể cho phép Chính phủ quy định mức phí để phù hợp với chính quyền đô thị. Theo đó, tùy vào ngân sách cụ thể, Chính phủ có thể có quyền phụ cấp thêm cho các cơ sở.

Trước hai phương án giữ nguyên và tăng chế độ, do có nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc như dự thảo nghị quyết là tiếp tục giữ nguyên chế độ chính sách như hiện nay với đại biểu HĐND và sau này nếu phát sinh bất cập thì sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Theo NLĐ