Ông Trần Sỹ Thanh ví ngành dầu dầu khí như con gái lỡ thì, song lại bị ràng buộc bởi những chế tài, luật pháp như là thách cưới con gái 18, khiến hiện nay ngành không được các nhà đầu tư ngó ngàng, dẫn tới tình hình đầu tư mới khó khăn và đang phải ăn vào quá khứ.
Quan điểm trên được ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nêu tại hội thảo “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - vai trò của ngành dầu khí” do Tạp chí Cộng sản cùng Ban Kinh tế T.Ư tổ chức sáng nay, 18.7.
Ông Thanh thừa nhận, hiện ngành dầu khí đang ăn vào quá khứ, vào công lao của thời kỳ trước, khi mà việc gia tăng trữ lượng đang chững lại. “Các cụ xưa hút 1 tấn dầu thì gia tăng 1,5 đến 2 lần. Còn chúng tôi giờ hút 1 nhưng chỉ bù đắp 0,3-0,4. Nên nói thẳng là chúng ta đang ăn vào công sức của ngày trước”, ông Thanh nói.
Chủ tịch PVN cho hay, thời kỳ trước, trung bình một năm ngành này thu thút khoảng 2 tỉ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để thăm dò, khai thác, song hiện tại, con số này chỉ vài trăm triệu USD.
“Mà với ngành dầu khí, không thăm dò thì làm sao mà gia tăng trữ lượng? Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị (năm 2017) về phát triển ngành dầu khí mục tiêu không thay đổi, nhưng giải pháp thì thực sự chưa có gì. Trong khi pháp luật, thể chế với chúng tôi chẳng khác nào đặt điều kiện gả chồng cho con gái lúc 18, đôi mươi, thế nhưng chúng tôi giờ đã là con gái lỡ thì rồi, thì ai mà người ta đến”, ông Thanh ví von.
Ông dẫn chứng: như luật Thuế Tài nguyên nước khiến mỗi lô thăm dò phải trả chi phí tài nguyên nước lên đến 10-15 triệu USD là quá cao, trong bối cảnh nguồn đầu tư hạn hẹp, khiến PVN càng thêm khó.
“Quy định này áp dụng cho môi trường thủy sản, với phạm vi vài km2 thì được. Nhưng với chúng tôi thì thật sự khó khăn. Như thế chẳng khác nào tự chúng ta đóng cửa chúng ta”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, thì so sánh PVN như gã khổng lồ nhưng thiếu máu. “Khổng lồ là vì có tổng tài sản rất lớn. Nhưng thiếu máu là đang bị xiềng xích bởi các quy định hiện nay khiến hoạt động của ngành rất khó khăn. Ví dụ khi khoan một mũi không như ý, phải khoan chệch sang một nhánh mới thì cần điều chỉnh tổng mức đầu tư khoảng vài chục triệu USD, lúc đó phải cần Thủ tướng quyết định. Trong khi với doanh nghiệp nước ngoài thì họ được điều chỉnh trong vòng 1 tuần”, ông Minh nói.
Ông Trương Đình Tuyển, cự Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng mấu chốt hiện nay là phải sửa luật Dầu khí để tạo động lực cho PVN hoạt động.
Theo Thanh niên