Phát biểu tại hội thảo Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương - cho rằng, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín, xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Nổi bật là việc tổ chức hòa giải, đối thoại tại tòa đã bước đầu thành công. Tranh tụng tại tòa là vấn đề quan trọng trong cải cách tư pháp, nhiều phiên đã tranh tụng mạnh mẽ; kết quả phán quyết của phiên tòa là toàn diện trên cơ sở chứng cứ và tham khảo, lắng nghe ý kiến viện kiểm sát các cấp, luật sư.
Các đại biểu đánh giá, sau 20 năm thực hiện cải cách theo các Nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong tòa án nhân dân - cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của tòa án.
Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân. Công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Các chuyên gia cho rằng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách tư pháp đang là xu thế tất yếu, liên tục và phổ biến không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả ở tất cả các quốc gia. Cải cách tư pháp được tiến hành với quyết tâm cao, nội dung phong phú, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền tư pháp minh bạch, hiện đại, thuận tiện cho nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín, xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đó là xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chiến lược cải cách tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta, của chế độ ta trong giai đoạn mới, nhất là đối với hệ thống bộ máy Nhà nước, gồm cả hệ thống toà án nhân dân các cấp.
Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án và cả nền tư pháp phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ nhằm thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới, để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp cũng chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của toà án, Chủ tịch nước chỉ rõ.
Cùng với đó, ngành cần nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là chức danh tư pháp, có chế độ chính sách phù hợp dành cho cán bộ tòa án. Chú trọng phát triển tòa án điện tử ngang tầm với trình độ phát triển chung của thế giới… ; vấn đề xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xét xử của tòa án; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.
Cách đây vài ngày, Tòa án Nhân dân tối cao đã chính thức khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến tòa án nhân dân. Đây là Trung tâm do Viettel vận hành, là một trong những Hệ thống trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án, hướng đến xây dựng Tòa án điện tử.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm. |
Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân là bộ não số của tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, đảm bảo vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của các tòa án nhân dân. Dự án do Viettel phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao thiết kế, xây dựng, tích hợp và triển khai, giúp theo dõi, giám sát, điều hành hoạt động của gần 770 tòa án nhân dân trên toàn quốc.
Nền tảng xét xử trực tuyến là một trong những giải pháp hiệu quả giúp khắc phục những khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thông qua Hệ thống xét xử trực tuyến, có thể giúp giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức, từ đó tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Hệ thống phần mềm trợ lý ảo có khả năng thực hiện các yêu cầu tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng dựa trên câu hỏi, khẩu lệnh của thẩm phán nhằm hỗ trợ công tác tra cứu và ra quyết định chính xác, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc. Hơn 100 thẩm phán, chuyên gia tham gia vào quá trình thẩm định nội dung, thông minh hóa hệ thống nhờ công nghệ AI. Trong thời gian tới, trợ lý ảo được kỳ vọng có khả năng hỗ trợ đoán định tư pháp, có thể trả lời về tội danh hoặc dạng tranh chấp dân sự dựa trên dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý...