PGS TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã chia sẻ như vậy với VietTimes nhân dịp 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2016)
Nguyễn Ái Quốc đồng nghĩa với yêu nước
Trong hồi ký “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” nguyên Ngự tiền Văn phòng đổng lý Phạm Khắc Hòe viết rằng, trước khi viết chiếu từ chức Bảo Đại nói: “Nếu người cầm đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc thì Trẫm sẵn sàng thoái vị ngay”. Thưa ông, vì sao lúc bấy giờ cái tên Nguyễn Ái Quốc lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy?
-Tên Nguyễn Ái Quốc được Bác dùng từ tháng 6-1919, ký trong bản yêu sách của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị Versailles. Bản thân sự kiện là phát pháo hiệu giữa bầu trời đen tối của thuộc địa Đông Dương, như là cánh én báo hiệu mùa xuân. Vì vậy giới trí thức lớp trước như cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Tường, Nguyễn Thế Trường, Nguyễn An Ninh... đều biết đến tiếng tăm của Nguyễn Ái Quốc và đặt rất nhiều hi vọng vào Người.
Giai đoạn sau này, Nguyễn Ái Quốc lại giữ vai trò là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Nhưng thực ra thời kỳ ấy, dân chưa biết nhiều về Đảng Cộng sản. Điều mà người ta ấn tượng sâu sắc nhất là khi Bác về nước vào 28-1-1941, thành lập Mặt trận Việt Minh. Mà đặc thù độc đáo của Mặt trận Việt Minh là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Việt Minh chỉ giải quyết vấn đề đoàn kết dân tộc trong khuôn khổ của Việt Nam thôi, chứ các tổ chức trước đây như Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Phản đế Đông Dương có phạm vi cả ba nước Đông Dương.
Chính vì vậy Việt Minh đã tập hợp được rất rộng rãi các tầng lớp, không phải chỉ có công nhân, nông dân mà còn có đủ tầng lớp trí thức, các nhà hoạt động văn hóa, giới tư sản, địa chủ, miễn là họ có tinh thần yêu nước. Tiếng tăm của Nguyễn Ái Quốc không chỉ giới hạn trong công nông, mà cả giới trí thức, cả giới quan lại chế độ cũ cũng biết đến tên tuổi Nguyễn Ái Quốc. Bởi vậy, người ta đã đặt niềm tin vào con người Nguyễn Ái Quốc. Cái tên Nguyễn Ái Quốc đồng nghĩa với yêu nước.
Nhưng lâu nay vẫn có người đặt vấn đề Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước hay người cộng sản?
-Nguyễn Ái Quốc trước hết là người yêu nước, rồi sau đó từng bước nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Bác mới dần dần trở thành người cộng sản. Con người yêu nước và con người cộng sản trong Hồ Chí Minh là nhất quán, không đối lập nhau.
Nhìn lại quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn này cho thấy Quốc tế Cộng sản coi Nguyễn Ái Quốc là người theo chủ nghĩa dân tộc. Bằng chứng là Nguyễn Ái Quốc gặp rất nhiều khó khăn từ tổ chức này, thưa ông?
-Cũng dễ hiểu thôi. Lênin là người sáng lập Quốc tế cộng sản vào tháng 3-1919. Ông rất đề cao vấn đề dân tộc của các nước thuộc địa. Chính Lênin là người viết sơ thảo Đề cương lần thứ nhất về dân tộc và thuộc địa, bản đề cương mà Nguyễn Ái Quốc khi đọc được trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã rất sung sướng và cảm động. Hình ảnh này được nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa nhưng Bác đã đến rồi”... Từ Đại hội II đến Đại hội V (tháng 7-1925), quan điểm chú trọng đúng mức vào giải phóng các dân tộc thuộc địa của Lênin vẫn còn ảnh hưởng rõ đến đường lối của Quốc tế cộng sản.
Nhưng đến Đại hội VI năm 1928 thì vấn đề cách mạng thuộc địa không còn được nghiên cứu một cách thấu đáo, đúng với vị trí của nó mà chỉ nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp, thậm chí còn cho rằng, cách mạng thuộc địa không thể thắng lợi được nếu như cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Nhưng Nguyễn Ái Quốc lại đưa ra luận điểm khác: “Chủ nghĩa tư bản là con đỉa 2 vòi, một vòi bám vào vô sản ở chính quốc, một vòi bám vào những người lao khổ ở thuộc địa, làm cách mạng là phải cắt cả hai cái vòi ấy một lúc”. Quan điểm đó không được Đại hội VI Quốc tế cộng sản chấp nhận. Đến năm 1935, Đại hội VII của Quốc tế cộng sản mới bắt đầu thừa nhận vị trí của cách mạng thuộc địa trong phong trào cách mạng thế giới.
Thưa ông, trước năm 1935 không chỉ có Quốc tế cộng sản phê phán Nguyễn Ái Quốc mà ngay cả một vài đồng chí thân cận của Bác cũng phê phán Bác. Ví dụ, trong tác phẩm “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”của Hà Huy Tập (được đăng trong “Văn kiện Đảng toàn tập” (từ trang 401 đến 425) phê phán Nguyễn Ái Quốc “đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua”…
-Trước năm 1935, đúng là có một vài đồng chí lãnh đạo của Đảng ta cũng chưa tán thành ngay quan điểm nhấn mạnh ngọn cờ độc lập dân tộc của Bác. Thậm chí còn phê bình quan điểm của Bác. Thật ra không phải các đồng chí đó chống lại Nguyễn Ái Quốc đâu, họ đều được Bác dìu dắt trên bước đường đầu hoạt động cách mạng, đều là học trò của Bác cả. Nhưng vì các đồng chí ấy đều được đào tạo từ Quốc tế cộng sản nên không thể nói khác Quốc tế cộng sản.
Nhưng nếu đọc kỹ, đằng sau những câu phê bình Nguyễn Ái Quốc lại có những câu phản biện, nhất là khẳng định công lao của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản. Thậm chí Lê Hồng Phong tại Đại hội Đảng lần thứ nhất năm 1935 tại Macao còn giao cho Nguyễn Ái Quốc vị trí đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế cộng sản, chịu trách nhiệm dịch các tài liệu của Quốc tế cộng sản cho Đảng.
Trong tuyển tập "Văn kiện Đảng toàn tập" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành có đăng những bức thư của Tổng Bí thư Hà Huy Tập gửi Quốc tế cộng sản nói về Nguyễn Ái Quốc khá nặng nề…Nhưng đồng thời vẫn khẳng định công lao của Nguyễn Ái Quốc.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu sự phức tạp của thời kỳ đó, áp lực từ đường lối chung của phong trào cách mạng thế giới khiến các đồng chí đó không thể nói khác, không đủ khả năng để nghĩ khác. Sau khi xem xét lại mọi vấn đề, ta phải thấy rằng Nguyễn Ái Quốc đã cực kỳ xuất sắc khi giữ được tình hình như lúc đó. Và Người vẫn kiên trì bảo vệ con đường cách mạng giải phóng dân tộc, chèo lái cách mạng Việt Nam đến ngày độc lập.
Cuộc cách mạng "kỳ lạ" đầy tính nhân văn
Một cuộc cách mạng nổ ra, giành thắng lợi thì người đứng đầu chính quyền sụp đổ thường bị tiêu diệt, như cách mạng tư sản pháp thắng lợi Vua Luis XVI lên đoạn đầu đài; cách mạng vô sản Nga thành công Sa hoàng bị chặt đầu, nhưng Cách mạng tháng Tám 1945 của chúng ta vẫn sử dụng những người thuộc chính quyền trước đó. Thực tế này nói lên điều gì thưa ông?
-Đây là điều đặc sắc của cuộc cách mạng nước ta và cũng là đặc sắc trong tư tưởng của Bác. Thế giới cũng thừa nhận đây là một cuộc cách mạng mang đầy tính nhân văn, nhân đạo. Đó là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng đã làm mọi điều vì đoàn kết dân tộc, đặt sự nghiệp của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Khẩu hiệu cách mạng lúc đó là “Tổ quốc trên hết”, “Độc lập trên hết”, “Dân tộc trên hết”. Quyền lợi của giai cấp, của từng tầng lớp, của từng bộ phận đều phải đặt dưới sự tồn vong của dân tộc.
Cho nên, trong kính cáo của Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Bất kỳ ai có một tinh thần yêu nước, đều có thể bắt tay cùng Việt Minh”. Ngay từ năm 1930, trong cương lĩnh đầu tiên, Bác đã nêu rằng cách mạng có thể tranh thủ trung, tiểu địa chủ, tư sản vừa và nhỏ. Chính vì quan điểm này mà Bác đã bị phê bình là mơ hồ giai cấp, nhưng Bác đã vận dụng quan điểm này trong Cách mạng tháng Tám. Đó là giá trị truyền thống của dân tộc mình, mỗi khi có giặc ngoại xâm thì hết thảy mọi người đều xếp những mâu thuẫn, lợi ích riêng lại để hành động chung vì độc lập dân tộc.
Ông có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể không?
-Khi cách mạng thành công, Uỷ ban dân tộc giải phóng về đến Hà Nội, chuyển thành Chính phủ lâm thời, hầu hết những thành viên là người cộng sản như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng... đều rút ra khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các nhân sỹ, trí thức yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cách mạng phải chăm sóc cho các thành viên hoàng tộc ở Huế, tổ chức một lễ thoái vị trang trọng cho vua Bảo Đại.
Và Bảo Đại trong hoàn cảnh đó đã nói một câu kinh điển là “Thà làm dân một nước độc lập hơn là làm vua một nước nô lệ”. Rồi cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần của triều đình Huế ở Bắc kỳ, lúc khởi nghĩa cụ cũng không chịu giao chính quyền cho Việt Minh, nhưng sau cụ đã thấy được đại nghĩa vì dân tộc của Việt Minh nên hết lòng hợp tác với chính quyền mới, làm Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến lúc mất vào năm 1969.
Dụng nhân như dụng mộc
Cho đến nay chúng ta vẫn phải khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tài ba trong cách dùng người. Bác luôn nhìn thấu tài năng và biết dùng người vào những công việc phù hợp nhất với họ không phân biệt họ xuất thân từ tầng lớp nào. Ông có thể phân tích kỹ hơn về nghệ thuật sử dụng nhân tài của Bác không?
-Cách dùng người của Bác là tuyệt vời nhất là sau Cách mạng Tháng Tám. Bác có niềm tin vào tinh thần yêu nước của mỗi người Việt, đặc biệt là trí thức. Bác biết là những trí thức chân chính, dù có thể tạm thời ở trong bộ máy chính quyền cũ, nhưng họ vẫn khát khao độc lập. Do vậy Bác đã sử dụng, trọng dụng họ một cách chân thành. Như trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng, tháng 2-1946, cụ ra Hà Nội với ý định chỉ là để xem thế nào chứ chưa định hợp tác, làm việc với chính quyền cách mạng.
Thế là đồng chí Võ Nguyên Giáp mời cụ Huỳnh gặp Bác, hai người gặp nhau khoảng một tiếng đồng hồ. Chỉ sau cuộc gặp ấy thôi, cụ Huỳnh đã vui vẻ tham gia chính quyền. Bác làm cách mạng với một tấm lòng chân thành vì dân, vì nước và tuyên bố rằng: “Cộng sản, Việt Minh không có một lợi ích nào khác là lợi ích của dân tộc. Và tôi cũng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc”.
Không những thế Bác còn lôi cuốn được cả giới trí thức người Việt ở nước ngoài về tham gia cách mạng?
-Tấm lòng vì đại nghĩa, vì dân tộc của Bác đã kêu gọi được những trí thức người Việt ở nước ngoài theo về phục vụ cách mạng như Trần Đại Nghĩa ở Pháp, Lương Định Của ở Nhật... Theo tôi, mẫu số chung giữa Bác và những người trí thức thời kỳ đó là tất cả để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước chứ không phải vì mục tiêu riêng của đảng phái hay cá nhân nào. Tôi cho rằng, đó là điều mấu chốt nhất, điều mà nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc hơn hẳn những người khác ở sự chân thành.
Khi trả lời các nhà báo vào tháng 1-1946, Bác đã nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm. Khi nào đồng bào bảo tôi lui thì tôi lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tội bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ ở nơi có non xanh nước biếc, sớm chiều câu cá trồng hoa và bầu bạn cùng với các cụ già hái củi, các em nhỏ chăn trâu. Không dính líu gì đến vòng danh lợi”. Con người của Bác là như vậy nên đã có sức cảm hóa mọi người xung quanh, không những chỉ là với giới trí thức và cả với những người trong bộ máy chính quyền cũ.
Cách sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: giao trách nhiệm và tuyệt đối tin tưởng. Sau này, trong một thời gian dài, chúng ta lại quá căn cứ vào lý lịch cá nhân, thân nhân?
-Chính Bác trong năm 1946 có bài viết “Tìm người tài”. Trong đó hướng dẫn một cách rất cụ thể cho các cấp chính quyền là khi phát hiện thấy người tài thì báo ngay để Chính phủ đi gặp người đó và giao trọng trách cho họ. Tìm được rồi thì phân công công việc và có chính sách đãi ngộ. Đãi ngộ thời kỳ đó cũng không phải nhiều lắm, nhưng khi có chính sách, đặc biệt là niềm tin thì người tài sẽ khác hẳn. Chứ nếu vừa dùng vừa nghi ngờ họ thì cách làm việc của người ta sẽ khác.
Thí dụ như ông Trần Đại Nghĩa từ Pháp về được Bác giao cho phụ trách ngành quân giới, rồi như bác sỹ Tôn Thất Tùng cũng được Bác tin dùng, giao cho những công việc quan trọng. Những trí thức về với cách mạng có khi được giao trọng trách trong Chính phủ, có khi là những việc khác, nhưng họ đều hết lòng với công việc, hết lòng với sự nghiệp kháng chiến. Những trí thức thời kỳ đó có niềm hạnh phúc là có một lãnh tụ để họ tin tưởng. Người trong nước có thể có những chính kiến khác nhau, nhưng hễ cứ nói đến Cụ Hồ là tất cả đều một lòng tin tưởng.
Thời kỳ khi chính quyền còn rất non trẻ mà Bác đã dám làm như vậy, vì sao sau này khi chính quyền đã được xây dựng và củng cố mạnh rồi chúng ta lại rất coi trọng thành phần lý lịch?
-Đúng là sau này có những lúc mình hơi tả, tả trong đường lối tổ chức cán bộ, nặng về thành phần giai cấp, về lý lịch. Nhưng chúng ta cũng đã sửa rồi. Chúng ta cũng biết rằng trong thực tế, có biết bao nhiêu nhà tư sản, địa chủ yêu nước, đóng góp nhiều cho cách mạng. Cách mạng tiến lên do đóng góp của nhiều thành phần, nhưng công nhân, nông dân chỉ có sức người chứ còn của cải thì phải từ những nhà giàu, những tư sản địa chủ yêu nước, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng.
Còn sau giải phóng miền Nam 1975, có những lúc chúng ta chưa thật đúng đắn trong việc thực hiện chính sách nên đã có một bộ phận trí thức, một bộ phận những người làm việc trong chính quyền cũ di tản ra nước ngoài. Nhưng bây giờ, khi ta thực hiện chính sách cởi mở thì nhiều người đã quay về, có những đóng góp quan trọng xây dựng đất nước.
“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Thưa ông, khi bàn về nhà nước pháp quyền người ta hay nói đến Hiến pháp năm 1946?
-Nếu nói về Hiến pháp thì đúng là phải đánh giá rất cao Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp này chỉ có 70 điều thôi, nhưng nó đã đề cập được sự gần gũi giữa các chế định với thực tế cuộc sống. Chính quyền khi đó đúng là chính quyền hết lòng vì dân, hiến pháp đã thể hiện được một chính quyền mà tất cả các quyền bính đều thuộc về nhân dân. Từ việc bầu Quốc hội, rồi các cấp HĐND, sự tham gia của người dân là rất trực tiếp. Thực sự là người dân đã tham gia xây dựng chính quyền.
Thưa ông, phải đến khi xây dựng Hiến pháp năm 1946 thì tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền mới được hình thành hay trước đó đã có rồi?
-Có thể nói rằng hình ảnh nhà nước pháp quyền trong Hiến pháp 1946 là rất rõ ràng. Có lẽ do Bác đã đi nhiều, tiếp cận được với văn minh phương Tây và tư tưởng nhà nước pháp quyền. Nhưng phải nói rõ rằng, tư tưởng nhà nước pháp quyền với Bác không phải đến Cách mạng tháng Tám mới thể hiện, ngay từ yêu sách 8 điều tại Hội nghị Versailles tháng 6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã nói đến nhà nước pháp quyền.
Sau đó Nguyễn Ái Quốc còn viết một bài diễn ca bằng thơ lục bát để lý giải 8 điều đó, tr ng đó có câu “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Bác đã nhấn mạnh rằng phải o xây dựng nhà nước pháp quyền. Đến Cách mạng tháng Tám, Bác đã lựa chọn hình thức nước cộng hòa dân chủ và phản ánh trong Hiến pháp tư tưởng nhà nước pháp quyền. Cho nên, bây giờ ta nói Hiến pháp 1946 hay chính là vì tư tưởng nhà nước pháp quyền đó.
Vậy tư tưởng về “thần linh pháp quyền” của Hiến pháp năm 1946 tại sao không được thể hiện rõ nét hơn trong các bản hiến pháp sau này, thưa ông?
-Cũng phải nói thế này, trong các chặng đường sau, do nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, ngoại giao... đặt ra rất phức tạp, quan hệ chằng chịt với nhau chứ không như thời điểm 1946 cho nên chúng ta đã có những thay đổI trong các bản Hiến pháp tiếp theo. Tuy nhiên có thể nói rằng, bản Hiến pháp 1992, nhất là Hiến pháp mới đây nhất- 2013, đã kế thừa được nhiều nhất tinh thần của bản Hiến pháp 1946. Tôi chỉ nói thí dụ như trong xây dựng bộ máy hành pháp thôi. Hiến pháp 1946 có Chính phủ với Hồ Chí Minh là Chủ tịch Chính phủ. Trong Chính phủ đó, vai trò của Chủ tịch là rất lớn, trách nhiệm cá nhân rất cao.
Đến Hiến pháp 1959 thì lại thành Hội đồng Chính phủ, chuyển sang thành Chính phủ tập thể, mà Thủ tướng lúc đó chỉ là người đứng đầu tập thể đó thôi, không có quyền lực và trách nhiệm như Chính phủ trước đây. Chúng ta đề cao tính tập thể, tưởng như vậy là tốt, nhưng trên thực tế lại là không tốt, hiệu lực của nó lại kém. Đến Hiến pháp 1980, vẫn theo tư tưởng tập thể đó, Chính phủ lại có tên là Hội đồng Bộ trưởng, học theo mô hình của Liên Xô, Đông Đức... Trong Hội đồng Bộ trưởng lại có Thường trực Hội đồng Bộ trưởng với Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, hình thành lên một cấp nữa.
Đến Hiến pháp 1992, chúng ta quay lại mô hình của năm 1946, có Chính phủ và Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chỉ là người giúp Thủ tướng trên một số lĩnh vực chứ không phải là một cấp quản lý như Thường trực Hội đồng Bộ trưởng nữa. Chúng ta cũng trở lại mô hình nguyên thủ quốc gia với chức Chủ tịch nước chứ không phải là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước như Hiến pháp 1980 quy định.
Xin cám ơn ông!
Tại sao lấy ngày 3-2 làm ngày thành lập Đảng?
“Theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc thì Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930. Kéo dài như vậy vì họp đứt đoạn, đang họp lại phải chuyển địa điểm vì có động, rồi cũng phải tranh luận, thảo luận nhiều. Trước đây ta vẫn lấy ngày 6-1 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Nhưng đến năm 1960, tại Đại hội III của Đảng họp tại Hà Nội, có ý kiến đặt ra là lấy ngày bắt đầu họp Hội nghị 6-1 làm ngày thành lập Đảng là không hợp lý, lấy ngày kết thúc thì cũng không nên. Phải lấy ngày nào đã cơ bản đi đến thống nhất việc thành lập, và đó là ngày 3-2. Tôi còn giữ băng ghi âm lời phát biểu của Bác đưa ra Đại hội xin ý kiến là lấy ngày 3-2 có hợp lý không? Bác Hồ còn nói vui là “có cần biểu quyết không?”. Thế là cả Đại hội vỗ tay ầm ầm, thông qua việc này”- Phó GS TS Nguyễn Trọng Phúc.