Ông Chính Trung – nghệ nhân thư pháp nổi tiếng TP HCM kể lại với Zing.vn: “Lần đầu tiên gặp Chủ tịch HĐND TP HCM, tôi bất ngờ về sự thân thiện của bà. Tôi tặng chữ “Tâm” cho bà Tâm với mong muốn bà sẽ luôn giữ được tâm bình yên và dồn mọi tâm huyết, cống hiến cho sự phát triển của thành phố. Tôi vô cùng bất ngờ khi bà xếp hàng cùng mọi người. Đây là hành động đẹp, đáng để mọi người học tập”.
Bạn Phát Lê (quận 11) - người đứng xếp hàng chung, chờ xin chữ với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: "Chủ tịch HĐND TP HCM rất giản dị, không chứng tỏ quyền lực bằng cách nhận sự ưu tiên. Bà khiến những người trẻ như tôi phải nhìn lại mình. Tôi nghĩ, để xã hội văn minh thì mỗi người phải cư xử văn minh trước".
Câu chuyện về văn hóa xếp hàng đã trở thành đề tài được dư luận quan tâm nhiều năm nay ở Việt Nam. Trong mắt người nước ngoài, người Việt hầu như không có văn hóa xếp hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ về hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế. Hành động xếp hàng không lớn nhưng thể hiện ý thức, văn hóa của cá nhân và rộng hơn là thể hiện văn hóa, văn minh của đất nước.
Dù thời gian chờ khá lâu nhưng bà Tâm vẫn nhẫn nại xếp hàng chờ. |
Là thành phố đi đầu cả nước về ứng xử văn minh đô thị, những năm gần đây, vấn đề về văn hóa xếp hàng dần được cải thiện ở TP HCM.
Điều này thể hiện trước tiên ở thái độ của lãnh đạo thành phố. Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM từng nghiêm khắc cho rằng: “Thói quen không xếp hàng thể hiện sự ích kỷ của con người, thiếu tôn trọng người khác lại vừa không tự trọng. Sâu xa hơn là khiếm khuyết trong giáo dục, ý thức biết nhường nhịn và tôn trọng người xung quanh”.
Còn nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu Hà thì chia sẻ, để cải thiện văn hóa xếp hàng thì mỗi cán bộ, công chức… cần gương mẫu trong chuyện xếp hàng. Mỗi tấm gương như vậy là bài học thiết thực cho những người xung quanh, các em nhỏ.
Theo Zing