Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc thu phí BOT hiện có hai vấn đề nổi cộm. Một là khoảng cách đặt trạm và hai là mức thu phí.
Nguyên nhân gây ra phản ứng của người dân là từ hai vấn đề này - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, là do khâu quản lý về mức thu, thời gian, thỏa thuận đặt trạm thiếu sự minh bạch.
Phó chủ tịch dẫn chứng từ quy định đặt trạm thu phí ở đâu thì cần tham khảo ý kiến người dân, nhưng thực tế thực hiện thì lại không đến nơi đến chốn, có nơi chỉ làm hình thức, hay nơi áp đặt. Từ đó khiến người dân không đồng tình và có phản ứng.
Từ đây, Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu đoàn giám sát về BOT cần làm rõ thêm nguyên nhân lái xe dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí Cai Lậy, để tránh lặp lại tình trạng này.
Đồng thời, trong giám sát về BOT cũng cần làm rõ nguyên nhân, phân tích cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn để giải quyết vấn đề các dự án BOT đều sử dụng vốn vay ngân hàng rất cao, phí vay nhiều dẫn đến tình trạng thời gian thu dài, mức thu cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiến hành kiểm toán, xử lý nghiêm sai phạm ở dự án BOT, giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ, rà soát đảm bảo khoảng cách các trạm thu phí.
"Nơi nào không đảm bảo 70 km thì nhà nước nên mua lại quyền thu phí để giảm bức xúc của người dân" - Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất.