Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (AGM 2023) của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) vừa thông qua việc phát hành 1,23 tỉ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Theo đó, nếu VietinBank hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, quy mô vốn điều lệ dự kiến sau trả cổ tức bằng cổ phiếu của ngân hàng này sẽ tăng lên mức 66.030,1 tỉ đồng.
Trước đó, AGM 2022 của VietinBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Theo ban lãnh đạo VietinBank, ngân hàng này vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ và sẽ triển khai ngay sau khi được phê duyệt.
Ở nhóm ‘Big 4’, bên cạnh VietinBank, trong 3 năm trở lại đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng lựa chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
AGM 2022 của BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 61.208 tỉ đồng thông qua việc phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phát hành hơn 455 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Tại Vietcombank, EGM 2023 (tổ chức ngày 30/1) của nhà băng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018. Cụ thể, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỉ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỉ đồng lên hơn 75.000 tỉ đồng.
Các ngân hàng thuộc nhóm ‘Big 4’ góp mặt trong nhóm các nhà băng có quy mô vốn điều lệ tốp đầu hệ thống từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khoảng cách vốn điều lệ giữa nhóm này và nhóm ‘tứ hùng’ (gồm 4 ngân hàng tư nhân là Techcombank, VPBank, MBBank và ACB) đã được rút ngắn đáng kể.
Đáng chú ý, trong trường hợp VPBank hoàn tất chào bán riêng lẻ 1,19 tỉ cổ phiếu cho SMBC, quy mô vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên tới gần 80.000 tỉ đồng – vượt qua VietinBank, Vietcombank và BIDV.
Lưu ý rằng, tiến độ tăng vốn điều lệ – vì nhiều lý do chủ quan và khách quan – sẽ có sự khác biệt giữa các nhà băng. Bên cạnh đó, quan điểm về việc tăng vốn điều lệ giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt.
Tại AGM 2022, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, NHNN hay các tổ chức tín dụng quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.
Trong khi đó, theo ban lãnh đạo VietinBank, vốn điều lệ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn, cơ sở xác định giới hạn cấp tín dụng. Do đó, việc tăng vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư.
Hồi tháng 9/2022, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, NHNN nhấn mạnh vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối NHTM cổ phần, qua đó ảnh hưởng tới vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.
Theo số liệu, nhóm 'Big 4' chiếm 40-41% thị phần tín dụng và tổng tài sản toàn hệ thống, song vốn điều lệ chỉ chiếm hơn 23% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống.
Vốn tăng chậm trong khi tổng tài sản tăng nhanh, khiến hệ số CAR của nhóm này chỉ cao hơn một chút so với quy định tối thiểu. Hệ số CAR thấp đã kéo thị phần tín dụng bị co hẹp trong các năm qua, giảm từ trên 50% xuống còn 40%.
Theo NHNN, việc tăng vốn đối với nhóm NHTM nhà nước là điều bắt buộc. Bởi lẽ, theo mục tiêu đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ CAR của các ngân hàng đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%./.