Chính phủ sắp trình phương án tăng lương, nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10-2015, Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… 
Chính phủ sắp trình phương án tăng lương, nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như sản xuất và tiêu thụ nông sản (gạo, cà phê, chè...)gặp khó khăn.

Nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày

Các thành viên Chính phủ đã nghe và cho ý kiến đối với một số nội dung về tình hình thu - chi, cân đối ngân sách năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7% nhưng tăng thu là của địa phương, còn trung ương lại hụt thu khoảng 31.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chính do giá dầu giảm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.

Đáng chú ý, về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở lên), các thành viên Chính phủ cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương. Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3-2016.

Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 từ ngày 6 đến hết ngày 14-2-2016 (từ 28 tháng chạp năm Ất Mùi đến hết mùng 7 tháng giêng năm Bính Thân). Tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các đề án để tăng cường giám sát tài nguyên nước trên các sông suối qua biên giới

 Ngăn chặn thép Trung Quốc “đội lốt”

Trả lời báo chí về việc đầu tháng 10, trận lũ bất thường ở thượng nguồn sông Hồng khiến nhiều vùng thấp ven sông ngập lụt do một số đập thủy điện ở Trung Quốc bất ngờ xả lũ đầu nguồn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - người phát ngôn của Chính phủ, cho biết phía Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó có một số hồ chứa gần khu vực biên giới. Việc điều tiết, vận hành các hồ chứa này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước trên sông suối nước ta, đặc biệt là sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác phòng chống thiên tai ngày càng chủ động hơn.

Từ năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng trạm quan trắc tự động để giám sát tài nguyên nước tại đầu nguồn sông Hồng; đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan rà soát, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận bảo đảm chia sẻ, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý những vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường nước trên các sông suối biên giới. Cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc, dự kiến giữa năm 2016 sẽ đưa vào vận hành. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo triển khai các đề án cần thiết để tăng cường giám sát tài nguyên nước trên các sông suối qua biên giới.

Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam vừa thông tin trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gian lận nhằm trốn thuế, đưa gần 1 triệu tấn phôi thép Trung Quốc “đội lốt” hợp kim vào Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước điêu đứng, nhà nước thất thu thuế hàng triệu USD mỗi tháng. Trả lời vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ cho biết thời gian vừa qua, lượng phôi thép không hợp kim và phôi thép hợp kim nhập khẩu tăng đột biến với giá nhập khẩu giảm mạnh. Trong đó, đáng chú ý là việc nhập khẩu phôi thép có chứa nguyên tố crôm nhưng khai báo là phôi thép hợp kim để hưởng mức thuế suất nhập khẩu 0%.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo các bộ liên quan và Hiệp hội Thép Việt Nam thống nhất các tiêu chí quy định phôi thép hợp kim để tính thuế nhập khẩu đúng quy định và cam kết quốc tế; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong việc nhập khẩu và sử dụng phôi thép…

Bộ Tài chính dự kiến sẽ áp mức thuế nhập khẩu 10% đối với thép có chứa hợp kim (không phân biệt tỉ lệ hợp kim, hiện nay mức thuế là 0%). Liên bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương rà soát để bổ sung sửa đổi Thông tư liên tịch số 44 theo hướng quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thép xây dựng.

Thanh tra cán bộ liên quan tòa nhà 8B Lê Trực

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo chí quanh việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình, TP Hà Nội) xây dựng sai phép 16 m và trên 6.000 m2, kết luận cuối cùng về số phận tòa nhà sai phép này thế nào..., Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo xử lý.

Ngày 26-10, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng đã mời chủ tịch UBND TP Hà Nội và đại diện Bộ Xây dựng đến bàn về phương án xử lý đối với tòa nhà 8B. Sau khi nghe ý kiến các bên, Thủ tướng đã có kết luận. Theo đó, dù bất kỳ lý do gì, việc để một tòa nhà lớn xây dựng ở trung tâm TP mà gần đây mới phát hiện vi phạm và bắt đầu xử lý thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là yếu kém, cần sớm khắc phục.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, qua xem xét thủ tục cấp giấy phép và ý kiến của cơ quan chức năng đối với tòa nhà 8B cho thấy UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng làm chặt chẽ, đúng chức năng, thẩm quyền. Song, chủ đầu tư cố tình vi phạm, tính chất vi phạm nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh. Vì vậy, đình chỉ ngay hoạt động xây dựng, có phương án khắc phục sai giấy phép. Đồng thời, UBND TP Hà Nội theo dõi chặt chẽ việc khắc phục theo đúng giấy phép và phải bảo đảm an toàn, an ninh.

“Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan và nếu phát hiện sai phạm thì có biện pháp xử lý nghiêm” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo NLĐ