“Chính phủ phải cảm ơn nhân dân vì đã chịu đựng khó khăn”

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã đề nghị ghi rõ lời cảm ơn này vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ.
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Là người mở đầu buổi thảo luận của Đoàn ĐBQH TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Nhiệm kỳ này Chính phủ đã đạt nhiều thành tựu, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ. Nhưng theo tôi, Chính phủ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, cảm ơn nhân dân đã chịu đựng nhiều khó khăn, ủng hộ Nhà nước trong tất cả các thời điểm. Tôi đề nghị báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ phải thể hiện rõ sự cảm ơn đó”.

Sự “chịu đựng” của nhân dân, theo ông Nghĩa, là ở những thời điểm giá cá tăng vọt nhưng thu nhập lại không tăng, thậm chí rất thấp. Rồi thiên tai, sự cố về giao thông, hạ tầng xảy ra, và nhân dân là người trực tiếp chịu đựng.

 

Chính phủ phải cảm ơn nhân dân đã chịu đựng nhiều khó khăn, ủng hộ nhà nước trong tất cả các thời điểm - Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Theo ông Nghĩa, nhân dân dù trước muôn vàn khó khăn như vậy nhưng vẫn ủng hộ nhà nước, vẫn tạo ra nhiều sản phẩm, đóng thuế... Khi đất nước bi xâm phạm chủ quyền, đặc biệt khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, nhân dân là người ủng hộ Chính phủ mạnh mẽ, đóng góp tinh thần, vật lực vào công cuộc gìn giữ chủ quyền

Đánh giá về nhiệm kỳ sắp qua của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng các địa phương, bộ ngành đã nỗ lực lớn nhưng không thể hài lòng.

“Nếu so với các nước xung quanh thì giống như vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói đồng thời khẳng định trong nhiệm kỳ Chính phủ đã bỏ qua rất nhiều thời cơ.

“Đã có thời điểm chúng ta nằm trong top đầu những nước xuất khẩu ở một số mặt hàng, nhất là nông nghiệp. Lẽ ra từ đó phải chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chế biến, chi phối được thị trường, từ dệt may, da dày, gạo, cà phê, cao su, hạt điều... Rồi tiến tới tăng thương hiệu công nghệ... Nhưng giờ đã mất thời cơ đó”, ông phân tích.

Một thời cơ khác là khi giảm được lạm phát, lẽ ra Chính phủ phải có biện pháp thúc đẩy để kinh tế vọt lên, tạo sức đột phá lớn phát triển kinh tế, đẩy đời sống người dân lên. Nhưng điều này cũng chưa làm được.

Ông Nghĩa nói thêm khoảng 20 năm qua Việt Nam không có những trận thiên tai lớn như động đất, sóng thần... đặc biệt không có khủng bố...

“Đây cũng là một dạng thời cơ lớn mà chúng ta phải tận dụng để phát triển. Bởi không ai dám chắc 5 - 10 năm tới những thiên tai đó có xảy ra không. Nhìn sang các nước, ai cũng thấy một trận thiên tai lớn là có thể đầy lùi tất cả” - ông nói.

Đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền, đại biểu Nghĩa cho rằng trong suốt khoảng 10 năm qua tình hình tương đối hòa bình, ổn định, lẽ ra Việt Nam phải chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ chủ quyền ở cấp độ cao hơn.

“Đây cũng là một cơ hội mà chúng ta chưa tranh thủ, khi tình hình căng thẳng lên thì chúng ta mới chuẩn bị thì không chủ động được hết” - ông khẳng định.

“Cảm ơn nhân dân thôi là chưa đủ!”

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Lê Thanh Hải -nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - nói ông đồng ý với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, tuy nhiên theo ông“nói cảm ơn thôi là chưa đủ, chưa tương xứng".

"Nói cảm ơn thì giống như nhân dân đang phụ Chính phủ, Nhà nước làm chút việc rồi được cảm ơn. Trong khi nhân dân đã đóng vai trò chủ đạo trong tất cả các thành công trong nhiệm kỳ”, ông nói.

Sau khi phân tích vai trò, đóng góp củ nhân dân vào sự thành công trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, không chỉ trong nhiệm kỳ mà trong thực tiễn bảo vệ xây dựng đất nước, ông Hải đề nghị cần ghi rõ vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủvai trò quan trọng của nhân dân, doanh nghiệp... đã đóng góp chủ đạo, tích cực vào công cuộc phát triển đất nước và thành công của Chính phủ trong nhiệm kỳ sắp kết thúc.

Theo Tuổi trẻ