Chính phủ nhất trí hủy bỏ tội “kinh doanh qua mạng bị đi tù“

VietTimes -- Sáng nay (3/10), Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ trình bày, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó đã bỏ Điều 292 về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, viễn thông,... từng quy định năm 2015.

Nhiều ý kiến cho rằng Điều 292 Bộ luật Hình sự có thể tạo “rào cản” với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng Điều 292 Bộ luật Hình sự có thể tạo “rào cản” với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc “Phần Những quy định chung” và 123 điều thuộc “Phần Các tội phạm”, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ Điều 292.

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 4 diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, việc sửa đổi, bổ sung điều 292 của BLHS về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có nhóm ý kiến cho rằng cần loại bỏ hoàn toàn tội danh quy định tại điều 292, vì cho rằng, BLHS đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép nhưng điều 292 lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng”, như vậy là không phù hợp.

Điều 292 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau: (i) Kinh doanh vàng trên tài khoản; (ii) Sàn giao dịch thương mại điện tử; (iii) Kinh doanh đa cấp; (iv) Trung gian thanh toán; (v) Trò chơi điện tử trên mạng; và (vi) các loại dịch vụ khác theo quy định của pháp luật trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng điều 292 chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ngành nghề. Thêm vào đó, những lĩnh vực kinh doanh nêu tại điều 292, nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga thì cũng có ý kiến đề nghị giữ lại nội dung điều này và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản (đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ)… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục nên cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trước đó, trong phiên thứ ba của phiên họp thường kỳ tháng 8/2016 của Chính phủ diễn ra sáng 1/9, khi cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, đa số ý kiến của các thành viên Chính phủ đều nhất trí cần bỏ Điều 292 quy định về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép qua mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Trước khi các thành viên Chính phủ thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 130 sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là sai sót pháp lý hết sức nghiêm trọng khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xin ý kiến Quốc hội cho lùi thời gian có hiệu lực của Bộ luật này. Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo là Bộ Tư pháp cũng như các Bộ chịu trách nhiệm soạn thảo các dự luật khác phải rút kinh nghiệm nghiêm túc từ sự cố này để không được phép lặp lại sai sót tương tự trong tương lai. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát để phát hiện những sai sót ngoài 130 điểm đã được phát hiện để sửa ngay, tránh tình trạng lại phải tiếp tục sửa đổi Bộ luật Hình sự sau 1 vài năm thi hành.

Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ, kể cả Bộ Công an và Bộ TT&TT cùng đại diện các cơ quan tư pháp đều có cùng quan điểm bỏ Điều 292 quy định về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép qua mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Theo chương trình, trong phiên họp từ hôm nay đến hết 6/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016; báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước...