Chính phủ: Khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ khuyến khích việc tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập ngân hàng (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập ngân hàng (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Nội dung này được đề cập trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành.

Mục tiêu của đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025. Đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM phấn đấu đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

Để đạt mục tiêu kể trên, đề án cũng nêu nhiều giải pháp cơ cấu tại tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong đó, các nhà băng xây dựng phương án và triển khai các giải pháp phù hợp, bao gồm tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng.

Đồng thời, đề án cũng khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.

Các NHTM cổ phần, công ty tài chính (CTTC), công ty cho thuê tài chính (CTCTTC) được phân thành 3 nhóm, bao gồm: (1) nhóm có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn; (2) nhóm có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình; (3) nhóm hoạt động yếu, yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn hoạt động.

Đến năm 2025, nhóm NHTM có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh quy mô lớn có quy mô vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỉ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỉ đồng. Đối với CTTC, vốn điều lệ tối thiểu ở mức 750 tỉ đồng. Đối với CTCTTC, vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỉ đồng.

Các NHTM mua bắt buộc, triển khai cơ cấu lại theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, NHNN cho biết đang trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 – 2023 cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Đối với các ‘ngân hàng 0 đồng’, trả lời chất vấn hôm 8/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đã trình phương án xử lý các ngân hàng yếu kém như OceanBank, CBBank và GPBank. Trong đó, CBBank và OceanBank đã có phương án xử lý.

Như VietTimes từng đề cập, Vietcombank và MBBank là hai ngân hàng có chủ trương tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Trong đó, MBBank được tin rằng sẽ tiếp quản OceanBank.

Giới chuyên gia cho rằng, khi tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, các nhà băng nhận sứ mệnh sẽ được hưởng một số cơ chế đặc thù, mà quan trọng hơn cả là những ưu ái về ‘room’ tín dụng. Trong một báo cáo BVSC đánh giá, MB có thể được nới ‘room’ tín dụng lên 30 – 35%, trong khi Vietcombank cũng được dự báo dư nợ cho vay khách hàng sẽ tăng trưởng 16%./.