Vietcombank sắp nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, Vietcombank sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15% - 25% vốn tự có của ngân hàng.
Vietcombank sắp nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém
Vietcombank sắp nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) với sự tham dự của 188 đại biểu đại diện cho 1.984 cổ đông, sở hữu 4,48 tỉ cổ phần, chiếm 94,73% số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.

Theo đó, một nội dung đáng chú ý đã được AGM 2022 của VCB biểu quyết thông qua là việc ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VCB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của VCB.

Bên cạnh đó, VCB sẽ không góp vốn vào tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức này còn lỗ lũy kế; không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của tổ chức tín dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Ngoài ra, VCB sẽ được ưu tiên cho vay vượt 15% - 25% vốn tự có của ngân hàng; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho VCB trong suốt thời gian ngân hàng nhận chuyển giao chưa hết lỗ luỹ kế. NHNN cũng không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của VCB nếu VCB đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo quy định.

Đối với tổ chức tín dụng được chuyển giao, tổ chức này sẽ được NHNN cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi 0% và không phải áp dụng các tỉ lệ an toàn hoạt động trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Tại Việt Nam, có 3 ngân hàng '0 đồng' mà NHNN mua lại bắt buộc từ năm 2015 là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank). Ngoài ra, còn có ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu là Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Trong đó, VCB từng tham gia hỗ trợ CBBank tái cơ cấu. VietinBank hỗ trợ tái cơ cấu OceanBank và GPBank.

Trước VCB, AGM 2022 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã thông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, được tin rằng là OceanBank.

Năm 2022, VCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, tương ứng gần 30.700 tỉ đồng. Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15%, tỉ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Ngoài ra, VCB dự kiến phát hành hơn 856,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Thương vụ có thể giúp VCB tăng vốn điều lệ lên 55.891 tỉ đồng./.