Chính phủ chi 270 tỉ đồng tặng đầu thu truyền hình cho gần nửa triệu hộ nghèo

Để chuẩn bị cho ngừng phát sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự (analog) tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, và Cần Thơ vào ngày 1-6 tới, Chính phủ đã chi 270 tỉ đồng để mua đầu thu truyền hình số tặng cho 461.893 hộ nghèo tại bốn thành phố này.
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo tại bốn thành phố lớn sắp được tặng đầu thu truyền hình. Ảnh minh họa: Vân Ly
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo tại bốn thành phố lớn sắp được tặng đầu thu truyền hình. Ảnh minh họa: Vân Ly

Theo quy định, các hộ nghèo không có điều kiện mua đầu thu truyền hình, khi Việt Nam tiến hành số hóa theo kế hoạch số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020, sẽ được Chính phủ hỗ trợ tặng đầu thu này.

Theo tin từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích (Bộ Thông tin và Truyền thông), mới đây Quỹ này đã ký kết hợp đồng trúng thầu dự án “Hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ và các địa bàn phụ cận bị ảnh hưởng bởi lộ trình tắt sóng truyền hình tương tự theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Ba nhà thầu đã trúng bốn gói thầu mua sắm và lắp đặt đầu thu số DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo khi tắt sóng truyền hình analog ở bốn thành phố nêu trên. Giá trúng thầu của bốn gói thầu là trên 270 tỉ đồng.

Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho hay, theo hợp đồng được ký kết với các nhà thầu, chậm nhất là trong vòng 45 ngày các nhà thầu phải hoàn thành việc lắp đặt đầu thu truyền hình cho những người được hưởng. Dự kiến, việc hỗ trợ, lắp đặt đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại bốn thành phố nêu trên sẽ hoàn tất trước ngày 15-5 tới.

Được biết, đã có 15.400 đầu thu số DVB-T2 được Chính phủ tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Đà Nẵng khi đây là thành phố đầu tiên tại Việt Nam số hóa truyền hình, dừng phát sóng truyền hình tương tự vào ngày 1-11-2015. Đà Nẵng cũng là thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình.

Vì sao phải số hóa truyền hình

Bảng lộ trình số hóa truyền hình của Việt Nam và các nước trên thế giới. Ảnh: Vân Ly
Bảng lộ trình số hóa truyền hình của Việt Nam và các nước trên thế giới. Ảnh: Vân Ly

Theo Quy hoạch Truyền dẫn, phát sóng phát thanh - truyền hình đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Việt Nam sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình analog trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Công nghệ truyền hình analog là một công nghệ cũ, đã được sử dụng 60 năm trên thế giới. Công nghệ số cho phép nâng cao chất lượng, có khả năng chống nhiễu cao và có nhiều ưu điểm khác. Ví dụ truyền hình sử dụng công nghệ analog chỉ phát được khoảng 60 kênh thì truyền hình cáp công nghệ số có thể phát tới 200 kênh.

Công nghệ analog phát tự do không thể khóa mã các kênh truyền hình nên khó quản lý, dễ bị thu trái phép. Còn với công nghệ số thì chất lượng cao hơn và có thể khóa mã, đóng gói các kênh truyền hình theo yêu cầu; thông qua thiết bị kỹ thuật số sẽ xem được truyền hình chất lượng tốt hơn, âm thanh stereo, hình ảnh rõ nét…

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình công nghệ số rất phức tạp, yêu cầu phải thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng và thiết bị truyền hình. Thông thường, nếu chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình công nghệ số thì người xem truyền hình phải đầu tư một hộp giải mã tín hiệu để đấu nối vào ti-vi mới có thể xem được các chương trình truyền hình. Trong khi, với công nghệ truyền hình analog, chỉ cần kéo cáp và đấu thẳng vào ti-vi là có thể xem được truyền hình. Còn muốn chuyển đổi công nghệ, các đơn vị truyền hình phải thay thiết bị phát sóng, truyền dẫn tín hiệu, sản xuất nội dung chương trình… từ analog sang công nghệ số.

Theo TBKTSG