Trích phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines E. Garcia hôm 17-7, tờ Live Mint của Ấn Độ cho hay, “đang có những cố gắng rất dễ nhận thấy về việc muốn thay đổi tình hình khu vực và quyết định ai được hay không được phép tham gia vào chuyện của khu vực. Ấn Độ phải khôn khéo bỏ qua những điều đó và tiếp tục làm những điều mình đang làm”.
Mặc dù không chia sẻ đường biên giới trên Biển Đông, song Ấn Độ có lợi ích lớn về tự do, an ninh hàng hải ở khu vực này. Hiện nay, gần 55% khối lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua eo biển Malacca. Tuy nhiên, đang có những hành động ngăn cản việc Ấn Độ đóng một vai trò tích cực và duy trì sự hiện diện của hải quân nước này trên Biển Đông.
Lực lượng hải quân của Ấn Độ đang được tăng cường
Tháng 7-2011, Hải quân Trung Quốc đã đánh điện tín yêu cầu một tàu Hải quân Ấn Độ rời khỏi “vùng biển tranh chấp” ở Biển Đông. Tiếp đó, tháng 6-2012, tàu chiến Trung Quốc còn “hộ tống” một tàu hải quân Ấn Độ trong khi tàu này đang trên đường từ Philippines sang Hàn Quốc. Trung Quốc cũng từng lên tiếng phản đối việc Tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ hợp tác thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Việc Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh chiến lược xây dựng cường quốc biển cùng với việc triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai trên biển” - những cơ sở quân sự trên biển cũng đang tạo ra mối lo ngại lớn cho Ấn Độ. Không những thế, Ấn Độ còn lo ngại việc Trung Quốc sau khi khống chế được Biển Đông sẽ vươn tới những vùng biển xa hơn, mà mục tiêu đầu tiên chắc chắn là Ấn Độ Dương.
Chính vì thế, không chỉ bảo đảm tự do, an ninh hàng hải và cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng ở Biển Đông, Ấn Độ còn có lợi ích lớn khác trong việc tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông. Đây chính là chiến lược “ngăn chặn từ xa” toan tính mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sang Ấn Độ Dương cũng như khả năng những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông có thể xâm lấn sang Ấn Độ Dương.
Dưới thời Thủ tướng N. Modi, Ấn Độ bắt đầu chuyển từ “chính sách hướng Đông” sang “chính sách hành động phía Đông”. Ấn Độ trực tiếp đưa ra những bình luận cần giải quyết tranh chấp Biển Đông; ký Tầm nhìn chiến lược chung với Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; tăng cường đàm phán với các nước chủ chốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy hợp tác an ninh, nhất là trong lĩnh vực hàng hải.
Để hỗ trợ cho chính sách này, Ấn Độ chú ý tăng cường tiềm lực hải quân. Hiện Ấn Độ là cường quốc hải quân lớn thứ 5 trên thế giới (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh). Theo báo cáo an ninh của Jane’s, một tổ chức chuyên cung cấp các thông tin và phân tích về an ninh quốc phòng hàng đầu thế giới, lực lượng hiện có của hải quân Ấn Độ là 53.000 người; được trang bị 14 tàu ngầm, một tàu sân bay, 8 tàu khu trục, 11 tàu hộ vệ, 24 tàu hộ tống nhỏ, 20 tàu đổ bộ, 32 tàu tuần tra và một số lượng lớn tàu phá mìn, tàu thăm dò...
Trong giai đoạn 2008-2013, Ấn Độ đã chi 40 tỷ USD để hiện đại hóa quốc phòng, phần lớn dành cho mua sắm các thiết bị cho lực lượng hải quân. Hiện nước này có 3 tàu sân bay là INS Viraat (mua lại của Anh), INS Vikramaditya (được cải tiến từ tàu sân bay Đô đốc Gorshkov mua lại của Nga) và tàu sân bay thuộc lớp Vikrant do Ấn Độ tự đóng. Hôm 12-7 vừa rồi, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Hải quân nước này sẽ sớm mời thầu đóng 6 tàu ngầm thông thường với tổng trị giá 600 tỷ rupee (gần 9,5 tỷ USD).
Với việc chủ động tham gia vào các cấu trúc an ninh đang phát triển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cùng việc đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hải quân, Ấn Độ đang cụ thể hóa trên thực tế chiến lược “ngăn chặn từ xa” của mình.
Theo: An ninh Thủ đô