Chính sách “Hồi tỵ” đã được cha ông ta quy định như thế nào?
Thưa ông, một trong những điểm đáng chú ý khi Trung ương bàn về chiến lược cán bộ tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua là việc đề cập đến chuyện “hồi tỵ”, tức là người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Luân chuyển cán bộ là câu chuyện đã được nhắc đến nhiều lần và trên thực tế, chúng ta đã thực hiện từ lâu. Gần đây nhất, ngày 30/5/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 36-CT/TW “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” trong đó có nêu ở mục 3.3 “Thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan không là người địa phương”. Tuy nhiên, việc quy định người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương thì đề án lần này được đưa ra một cách bài bản hơn.
Nhưng, nhìn sâu vào chiều dài lịch sử thì thấy câu chuyện này không mới. Cha ông ta từ lâu đã làm, thậm chí làm rất triệt để. Đó là Luật Hồi tỵ (hồi là trở về; tỵ là lánh ra hay lánh đi).
Luật Hồi tỵ là nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền thời phong kiến, bắt đầu được đặt ra từ thời vua Lê Thánh Tông, và được kế thừa, bổ sung vào thời vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị (nhà Nguyễn) rồi tiếp tục được thực hiện vào các triều vua Nguyễn sau đó.
Trong “Quốc triều hình luật” (thời Lê) có nhiều điều quy định về hồi tỵ, nhưng tựu trung có 5 vấn đề là: (1) Quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; (2) Không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; (3) Quan lại không được tậu đất, vườn ruộng, nhà cửa tại nơi cai quản; (4) Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; (5) Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở.
Luật Hồi tỵ thời vua Lê Thánh Tông còn được thực thi nghiêm ngặt trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình; áp dụng với cả đội ngũ viên chức ở cấp xã. Năm Hồng Đức thứ 19 (Mậu Thân, 1488), nhà vua đã xuống chiếu: Hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ có một người được làm xã trưởng, không được cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau.
Trong các triều đại phong kiến sau đó, vua Minh Mạng là người thực hiện luật hồi tỵ triệt để hơn cả. Năm 1831, vua ban hành Luật Hồi tỵ quy định: Khi bố trí quan về trị nhậm tại các địa phương cần phải tránh những nơi: Quê gốc (quê cha) là nơi có quan hệ họ nội nhiều đời sống; Trú quán là nơi bản thân đã ở lâu, học hành, sinh hoạt; Quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ là nơi theo học trước đây).
Triều đình không được bổ dụng quan lại về một trong những địa phương quy định trên…Nếu ai man trá sẽ bị nghiêm trị.
Đến năm 1836, Luật lại được bổ sung khắt khe hơn: Các quan đầu tỉnh như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê. Trong từng Bộ, Nha, Sở, Cục không được bố trí những người có quan hệ cha – con, anh – em, thông gia, thầy – trò, họ hàng thân thiết…
Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thí. Nếu có, phải tâu trình thay người khác. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng….trong địa hạt cai quản của mình…
Vậy, có nghĩa là chúng ta nên “áp dụng” Luật Hồi tỵ trở lại?
-Quy định hồi tỵ nhằm tránh sự làm việc không khách quan, nể nang, né tránh hoặc bao che, nâng đỡ cho nhau giữa những người thân thuộc, hạn chế việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi tiêu cực. Thực tế quy định này đã có tác dụng rất tích cực, góp phần ngăn chặn nạn tiêu cực hoành hành, lợi dụng theo kiểu một người làm quan cả họ được nhờ.
Lâu nay chúng ta cũng đề cập đến nhiều. Tuy nhiên, việc tiếp thu những tinh hoa hợp lý từ kinh nghiệm của cha ông ta để cụ thể hay luật hóa nó còn rất hạn chế. Do đó, cần phải bổ sung nhiều quy định mới về “hồi tỵ” để thích ứng với điều kiện thông tin liên lạc được thực hiện trong thế giới phẳng ngày nay. Cần có quy định chặt chẽ các điều kiện tuyển dụng, bổ nhiệm để tránh việc lạm dụng quyền lực khi nhận vợ hoặc chồng, con cháu, họ hàng, người cùng quê, cánh hẩu của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương vào làm việc cùng một nơi.
Khi đã có Luật với quy định trên, thì cần phải tiến hành rà soát các cơ quan, đơn vị có tình trạng “làm quan theo họ”, hay trái với yêu cầu hồi tỵ nói chung để sắp xếp, tổ chức lại cho đúng luật. Đương nhiên, điều căn cốt nhất, vẫn là cách thức tuyển chọn cán bộ, tìm cho được nhân sự là những người thực đức, thực tài để đưa vào bộ máy. Đó mới chính là cơ chế kiểm soát hữu hiệu nhất để tự làm trong sạch bộ máy.
Tìm hiền tài bằng thi tuyển, tiến cử và bảo cử
Thưa ông, đấy là việc hồi tỵ, hay nói như ngôn ngữ ngày nay là “những điều cán bộ, đảng viên không được làm”. Tuy nhiên, để có quan chức (cán bộ) mà bổ nhiệm thì phải lựa chọn được những “ông quan” xứng đáng (hay nói như cách nói của người xưa là “Phụ mẫu của dân”) thì chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm cha ông?
-Trong đề án về công tác cán bộ mà Trung ương vừa bàn thảo có đề cập đến vấn đề thi tuyển cán bộ lãnh đạo, tranh cử ít nhất phải có 2 ứng cử viên. Tuy đây là vấn đề không mới, nhưng theo tôi, vẫn là thay đổi mang tính “cách mạng” trong điều kiện hiện nay.
Trên thực tế không phải là chúng ta chưa thực hiện điều đó. Vào tháng 6/1988, tại kỳ họp thứ 3, QH khóa VIII đã tiến hành bầu Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) thay ông Phạm Hùng vừa qua đời. Trung ương giới thiệu ông Đỗ Mười khi ấy đang là Thường trực Ban Bí thư. Tuy nhiên khi ra QH thì nhiều đoàn đại biểu giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt. Ý kiến của đại biểu QH được những người lãnh đạo trực tiếp của QH là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch QH Lê Quang Đạo đồng tình và được Bộ Chính trị với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhất trí. Sau khi thảo luận dân chủ về danh sách đề cử, QH đã quyết định đưa ra hai ứng cử viên để đại biểu lựa chọn và bầu một người giữ chức Chủ tịch HĐBT. Kết quả là ông Đỗ Mười trúng cử chức vụ Chủ tịch HĐBT.
Tuy nhiên, đấy là sự kiện mang tính tình thế, chưa được quy định bằng một văn bản pháp quy.
Truyền thống coi trọng nhân tài được kế thừa, phát huy qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhất quán thực hiện trong kế sách trị nước, an dân của nhiều triều đại quân chủ, coi như một tiêu chí hành xử của các bậc minh quân.
Bắt đầu từ đời nhà Lý, việc sử dụng tầng lớp tinh hoa (tầng lớp tri thức Nho giáo) tham gia trực tiếp vào bộ máy quản lý đã được xem là một nguyên tắc trị quốc. Năm 1075, Lý Nhân Tông đã xuống chiếu thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Đây là khoa thi đầu tiên, chọn nhân tài vào Hàn lâm viện, mở đầu cho truyền thống khoa cử ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX.
Việc thi cử được tổ chức rất bài bản, đào tạo quan văn được tổ chức ở Quốc Tử Giám, đào tạo quan võ được tổ chức ở Giảng Võ đường. Việc lựa chọn Trạng nguyên được chính nhà Vua ra đề và chấm thi. Đến thời nhà Lê, khoa cử đã được chế định tương đối hoàn chỉnh. Cứ cách ba năm có một kỳ thi. Thi Hương vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, còn thi Hội vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Mỗi kỳ thi, thí sinh phải qua ba hoặc bốn đợt thi (gọi là tam hoặc tứ trường).
Bên cạnh hình thức khoa cử thì tiến cử và bảo cử cũng là các biện pháp mà các triều đại phong kiến Việt Nam thường sử dụng để tuyển chọn nhân, tài thông qua giới thiệu, đề nghị của các quan chức cao cấp trong triều đình. Phép tiến cử và bảo cử (thời Lý - Trần còn gọi là tuyển cử) được áp dụng khá nhiều dưới thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Tiến cử và bảo cử thường được sử dụng khi xã tắc lâm nguy, hoặc lúc vương triều mới được gây dựng, nhà nước đang thiếu hụt nhân tài.
Việc tiến cử và bảo cử giúp nhà Vua lựa chọn được quan chức thực tài và phải tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt, như: (1) Phải được giới thiệu bởi các quan chức nhà nước; (2) Trước khi bổ nhiệm, phải qua kỳ sát cử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Người tiến cử phải chịu trách nhiệm về tư cách và năng lực của người mà mình tiến cử. Phải tâu trình rõ phẩm hạnh, tài năng của người được tiến cử. Nếu tiến cử đúng người tài giỏi, đắc dụng thì người có công tiến cử sẽ được trọng thưởng, ngược lại nếu tiến cử sai người, hoặc lợi dụng tiến cử để kéo bè, kết cánh sẽ bị biếm chức hoặc phạt nặng. Các đình thần và quan lại địa phương không thực hiện việc tiến cử người hiền tài cũng bị Vua trách phạt.
Việc “con ông cháu cha” nối nghiệp bố, mẹ, thực ra cũng không xấu, nếu họ xứng đáng. Vậy trong việc bổ nhiệm “con ông cháu cha” thì cha ông ta làm thế nào, thưa ông?
-Trong các triều đại trước, chế độ nhiệm tử (hay gọi là chế độ thế tập, tập ấm, ấm sung - các thuật ngữ được sử dụng ở các triều đại khác nhau) cũng là một trong những biện pháp tuyển chọn người tài của ông cha ta. Đây là phương thức tuyển chọn con cháu của quý tộc, công thần và quan chức, dựa trên âm trạch của ông cha, và được áp dụng chủ yếu vào thời Lý - Trần. Đối tượng được hưởng lệ nhiệm tử khá rộng, bao gồm con cháu những người đã được nhà nước phong quan tước.
Thông qua lệ nhiệm tử, các chức vụ trong chính quyền Trung ương và địa phương được trao cho người trong hoàng tộc. Lệ nhiệm tử thời Hậu Lê và thời Nguyễn được quy định chặt chẽ về đối tượng, thể lệ, phạm vi tuyển dụng và được gọi là lệ Ấm sung. Ở thời Nguyễn, để được tuyển dụng vào các chức vụ nhà nước với phẩm hàm không cao (từ ngũ phẩm trở xuống), các đối tượng được hưởng lệ Ấm sung thời kỳ này buộc phải sung vào ngạch Nho sinh để học tập, cứ 3 năm nhà nước sẽ tổ chức khảo hạch một lần. Chức vụ và phẩm hàm của đối tượng được ấm sung lệ thuộc vào kết quả thi khảo hạch và dựa trên tước phẩm của ông cha.
Xin cám ơn ông!
(Còn tiếp)