Chiến dịch đốn cây xanh tại Hà Nội: Thế nào là hỏi dân?

Sau khi quả quyết rằng, việc chặt hạ những hàng cây cổ thụ là “chuyện nhỏ”, “không cần hỏi ý dân”, ngày 20-3, UBND TP Hà Nội lại quyết định dừng dự án chặt hạ thay thế 6.700 cây, trước sức ép của dư luận.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc họp vội vàng

Chiều 20-3, hàng trăm nhà báo đã có mặt bên ngoài trụ sở UBND TP Hà Nội, mong được tham dự và đưa tin về cuộc họp báo đột xuất của Ủy ban để thông báo về tình hình “chặt hạ 6.700 cây xanh”. Chủ đề này đang làm nóng bừng thủ đô trong những ngày cuối xuân, thu hút sự quan tâm của đủ mọi tầng lớp nhân dân.

Sau khi hàng loạt những cây xanh đã được đốn hạ ngổn ngang trên một số tuyến phố theo một dự án trị giá hàng chục tỉ đồng, người dân đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau. Có người khóc, có người ôm cây, có người dán khẩu hiệu “đừng giết tôi” lên thân cây, và hàng chục người đã “ký” ủng hộ trên trang mạng xã hội "6.700 người vì 6.700 cây xanh".

Trong bối cảnh đó, các nhà báo, mang theo nhiều tâm tư, thắc mắc của công luận muốn được lãnh đạo UBND thành phố giải đáp thỏa đáng.

UBND Thành phố Hà Nội có vẻ như khá “dân chủ” khi quyết định mở cuộc họp báo này, sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh báo chí đã “phản ánh kịp thời ý kiến dư luận” và “bày tỏ mong muốn luôn nhận được đóng góp xây dựng, tất cả vì mục tiêu phát triển Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp - hiện đại”.

Người dân Hà Nội bày tỏ thái độ phản đối việc chặt và thay thế cây.
Người dân Hà Nội bày tỏ thái độ phản đối việc chặt và thay thế cây.

Làn sóng phản đối kế hoạch chặt hạ cây xanh của dư luận thủ đô nóng đến nỗi, thành phố đã phải điều một lực lượng cảnh sát hùng hậu chưa từng có, để đảm bảo an ninh trật tự bên ngoài trụ sở, trước khi cuộc họp báo diễn ra. Đối diện trụ sở UBND thành phố, nhiều người dân giương biển phán đối việc chặt hạ cây xanh.

Trái với mong đợi của báo chí và dư luận, cuộc họp báo chỉ diễn ra… 1 chiều. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, người chủ trì cuộc họp, để cho các phóng viên hỏi thoải mái, nêu ra mọi thắc mắc nhưng ông… không trả lời một câu hỏi nào.

Tại cuộc họp báo, ông Hùng cho biết: thành phố luôn luôn lắng nghe tiếp thu cầu thị đối với những đóng góp của người dân để xây dựng thành phố xanh, đẹp, để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. "Mọi sự thành bại đều do dân, nếu quyết định vấn đề mà không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn" – ông nói.

Đằng sau những tuyên bố đầy tiếp thu đó, cả hai lãnh đạo cao nhất của thành phố, đều khẳng định, đây là “chủ trương đúng đắn”. Chỉ có việc tổ chức là thiếu thông tin minh bạch mà thôi. Phó chủ tịch UBND thành phố đổ lỗi "sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình".

Chạy theo dư luận

Trong một động thái để xoa dịu sự bức xúc của dư luận, ngay trong đêm 19-3, Công ty công viên cây xanh Hà Nội vội vã tiến hành treo 150 tấm biển “trưng cầu dân ý” lên những cây xanh nằm trong kế hoạch chặt hạ để lấy ý kiến người dân.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, muốn “bình thường hóa” vấn đề này bằng cách cho rằng, 150 cây được treo biển… không liên quan gì đến dự án chặt và thay thế 6.700 cây (?); và đây là hoạt động mà công ty vẫn làm hàng năm, nhưng do dư luận đang mong muốn được minh bạch thông tin nên công ty tiến hành công khai để người dân biết.

Ông quên mất rằng nếu làm bình thường thì tại sao không làm vào ban ngày, mà các nhân viên của quý công ty lại phải thức để treo vội hơn 100 tấm biển ngay trong đêm. Và nếu những cây này cũng không phải cây nằm trong “dự án chặt hạ nói trên” thì việc “hỏi ý kiến dân” vào thời điểm này phải chăng là để lập lờ hai vụ việc.

Chưa kể, nhiều người dân ở những tuyến phố có cây được treo biển cho rằng, hầu hết những cây được treo biển đã mục rỗng hoặc chết khô. Họ muốn được hỏi ý kiến ở những cây còn xanh.

Những động thái trên cho thấy chính quyền thành phố Hà Nội đang rất lúng túng trong việc thực hiện chính sách và chủ yếu là đang chạy theo dư luận. Kể cả quyết định “ngừng chặt hạ cây” vừa được ban hành cũng là do sức ép của dư luận, chứ không dựa trên những căn cứ khoa học nào.

Trước đó, khi công bố đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị và đưa ra đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định đề án này đã được UBND TP phê duyệt. Ông còn nói rất cụ thể trên báo Thanh Niên về con đường đẹp nhất thủ đô như sau: “Đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, trong đó chiếm số nhiều là cây hoa sữa với 228 cây, keo có 81 cây, số còn lại thuộc 13 loài khác nhau. Do sự thiếu đồng bộ này nên Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ số cây này bằng cây vàng tâm và TP.Hà Nội đã chấp thuận”.

Như vậy là chỉ vì “thiếu đồng bộ” mà chặt và thay cây, chứ đâu phải do cây mục rỗng, cong vênh, ảnh hưởng đến giao thông.

Ông Dục còn cho biết sẽ đốc thúc các đơn vị được cấp phép xã hội hóa thay thế cây xanh trên các tuyến khác như Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm, Trần Hưng Đạo... và tất cả đều phải hoàn thành trong quý 1 năm nay.

Không hiểu vì lý do gì mà việc đốn hạ những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, vốn trở thành biểu tượng của thủ đô, lại được thực hiện một cách vội vã như vậy.

Thế nào là hỏi dân?

Khi thực hiện những dự án ảnh hưởng đến người dân thủ đô, thành phố không hề “hỏi” ý kiến của những người mà họ cho là đối tượng thụ hưởng.

Trả lời báo chí, Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long khẳng định rằng, “không cần hỏi dân”. Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân. Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì...

Là một phó ban tuyên giáo của thành phố lớn, một đảng viên lâu năm, ông Long rõ ràng đã nhầm lẫn khái niệm “hỏi dân”. Hỏi ở đây không phải đơn thuần là hỏi ý kiến có đồng ý hay không.

Hỏi dân chính là để cho “dân biết” (bằng cách công khai, minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ về các kế hoạch, các chủ trương chính sách lớn), để cho “dân bàn” (tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân), để cho “dân làm” (tham gia công việc của đất nước, của địa phương) và dân còn phải được “kiểm tra”.

Trong trường hợp này, dân chỉ "biết" khi hàng loạt cây xanh đã ngã gục.

Theo TBKTSG