Chi trả nợ đang tăng cao nhất trong các khoản chi thường xuyên

Trong 9 tháng năm 2015, chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) tăng lần lượt 5,6% và 7,6%; chi trả nợ (cả gốc và lãi) từ NSNN tăng 12,6%...
Chi trả nợ đang tăng cao nhất trong các khoản chi thường xuyên

Trong báo cáo “Điểm lại” mới cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và ứng phó khá hiệu quả với những tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục củng cố tài khóa.

Cụ thể, báo cáo của WB chỉ ra rằng, giá dầu giảm và cắt giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp đã dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2015. Thu nhập từ dầu thô giảm 35% so với cùng kì năm ngoái, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu giảm lần lượt 19% và 2% do giảm thuế suất.

Trong các sắc thuế chính, thuế giá trị gia tăng (VAT), chiếm 1/3 tổng doanh thu thuế, đã tăng 15% so với cùng kì năm ngoái nhờ tiêu dùng cá nhân tăng và doanh thu thuế thu nhập cá nhân tăng 18% do mở rộng diện chịu thuế. Bộ Tài chính ước tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm tăng 7% so với cùng kì năm ngoái.

Đồng thời, chi ngân sách tăng nhanh hơn thu chủ yếu do tăng chi thường xuyên (chiếm tới 70,5% tổng chi ngân sách). Trong 9 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách tăng 7,8% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) tăng lần lượt 5,6% và 7,6%. Chi trả nợ (cả gốc và lãi) từ NSNN tăng 12,6% do nghĩa vụ nợ công tăng.

Trong khi đó, tỉ trọng chi đầu tư (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) trong tổng chi ngân sách giảm xuống còn 15,6% so với 26,5% trong giai đoạn 2011-2014.

WB dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, thâm hụt ngân sách ước khoảng 4,9% GDP và được bù đắp chủ yếu bởi các khoản vay trong nước. Con số này không bao gồm các khoản đầu tư ngoài ngân sách. Như vậy có nghĩa là tổng thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn.

Do vậy, WB cho rằng, tình trạng mất cân đối tài khoá đã tích tụ từ nhiều năm trước cần được giải quyết thì mới có thể đảm bảo bền vững tài chính công. Vì vậy, chính phủ đang tìm cách tăng cường kỉ luật tài khoá, tăng cường quản lí thuế và mở rộng diện thu thuế.

“Ngoài ra, Chính phủ cũng cố gắng kiểm soát chi thường xuyên và thắt chặt kiểm soát các khoản đầu tư công mới. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi sẽ góp phần tăng cường quản lí tài khoá” – WB nhận định.

Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng, nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh trong vài năm gần đây. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng nợ công của Việt Nam (nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) đã tăng mạnh từ mức 51,7% năm 2010 lên khoảng 61,3% GDP năm 2015.

Trong số này nợ trực tiếp của chính phủ trung ương chiếm 48,9% GDP, nợ do chính phủ trung ương bảo lãnh chiếm 11,4% GDP và nợ của chính quyền các tỉnh chiếm trên dưới 1% GDP. Tổng nợ công đang nhanh chóng tiến tới mức trần cho phép 65% GDP.

Theo Trí thức trẻ