Trước đó, sáng cùng ngày, một tờ báo điện tử đã có bài phỏng vấn bà Nguyễn thị Quyết Tâm về công tác cán bộ và trích câu nói của bà trên tít bài viết: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
Tít bài báo đã gây ra dư luận trên cộng đồng mạng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đó đó là một tít bài báo “không lành mạnh”. “Nếu ai đọc hết bài báo thì sẽ hiểu tôi nói gì và rút ra được suy nghĩ của mình” - bà Tâm nói.
Nói rõ hơn về việc “con lãnh đạo lại làm lãnh đạo”, phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng: “Con em cán bộ cũng là một thành phần, quan trọng là trân trọng những người có đức có tài”.
Bà đưa ra ví dụ TP.HCM đã và đang đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân hoặc đang là công nhân và các thành phần khác.
Bà phân tích: “Đối với con em những người cán bộ lãnh đạo đương chức hay là đã nghỉ hưu, các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc, có sự phấn đấu tốt, học tập tốt, được tín nhiệm một cách dân chủ thì điều đó là tốt chứ sao?”.
Theo bà Tâm, đó là một nối tiếp truyền thống bình thường. Còn dư luận thì có thể có nhiều chiều.
“Các phóng viên khi phỏng vấn đã đặt ra cho tôi một câu hỏi là “việc con lãnh đạo lại đi làm lãnh đạo thì có nghi ngại gì không”?
Tôi nghĩ là chuyện đó không có gì phải nghi ngại, chỉ nghi ngại là chuyện đó có công bằng hay không, thực tài hay không, đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức hay không, có được xã hội chấp nhận hay không? Đó là điều đáng quan tâm trong công tác cán bộ” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đưa ra quan điểm.
Bà giải thích thêm: “Lúc họp báo ở ĐH Đảng bộ TP.HCM vừa rồi tôi có nói không phải tự dưng mà TP.HCM có lớp cán bộ trẻ mà có quá trình bồi dưỡng, đào tạo từ lớp anh, chú cán bộ đi trước. Nếu có ý thức, kế hoạch bồi dưỡng thì mới có một lớp cán bộ trẻ đủ sức đảm đương”.
Về việc vì sao dự luận xôn xao gần đây có nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm, bà Tâm nói: “Đó là chuyện bình thường, không phải bây giờ mới có. Chẳng qua đến thời điểm thay thế thì chúng ta thấy có nhiều cán bộ trẻ. Bởi vì các bạn cứ suy ra, ba mưới mấy bốn chục tuổi trúng cử vào ban chấp hành Đảng bộ, giữ chức danh chủ chốt nào đó thì chẳng lẽ các bạn làm một nhiệm kỳ?
Nếu rèn luyện tốt thì đương nhiên khóa sau sẽ trúng cử nữa, lúc đó là 45, 50, 55 tuổi... đó là một sự nối tiếp. Mình phải nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng như vậy” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Bà cho rằng sự tranh luận phải rộng đường, mọi người có thể nói, có thể tham gia, nhưng với một tinh thần xây dựng thì bao giờ cũng sẽ tốt đẹp
Theo Tuổi trẻ