Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng vừa được đưa ra hôm qua (16/9) tại phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 vẫn còn những hạn chế. Theo đó, việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.
Chính phủ cũng đánh giá, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít.
Đặc biệt, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp, chỉ khoảng trên 10%. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành.
Ngoài ra, việc xử lý một số vụ án tham nhũng còn chưa kịp thời; trong một số vụ án tham nhũng, việc phối hợp đánh giá chứng cứ, tội danh giữa các cơ quan tố tụng chưa thật chặt chẽ. Công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, thời gian giám định dài, kinh phí chi trả giám định lớn, kết luận giám định không thực sự rõ ràng, phải trưng cầu giám định nhiều lần, năng lực chuyên môn của giám định viên hạn chế…
Đánh giá về nguyên nhân của những hạn chế trên, báo cáo của Chính phủ cho rằng, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở; một số quy định liên quan đến phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng còn thiếu dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật.
Chính phủ cũng cho rằng, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức chưa tốt. Vẫn còn cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chưa nêu gương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng có lúc chưa chặt chẽ.
Nhân chứng các vụ án tham nhũng và người tố cáo hành vi tham nhũng thường bị đe dọa, chịu sức ép từ nhiều phía, sợ bị trả thù, trù dập nên chưa hợp tác với cơ quan chức năng.
Tội phạm tham nhũng liên kết thành nhóm lợi ích
Về tình hình tham nhũng, Chính phủ nhận định, kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp…
Đề nghị miễn hình phạt với người tham nhũng khai báo trước khi bị phát giác
Để khắc phục những tồn tại trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đặt ra, đó là nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tham nhũng theo hướng bổ sung một số tội danh về tham nhũng; quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi và bổ sung các tội danh về tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Phòng chống tham nhũng với Bộ Luật hình sự.
- Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, năm 2014, đã có 35 người bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng |
Theo: VnMedia