Họp báo nhanh tại hiện trường, Chánh văn phòng UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan cho hay nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ tầng hầm và có thể do cháy xe máy gây ra. Nhưng nguyên nhân cụ thể cần phải chờ kết quả điều tra.
Trên mạng xã hội, xuất hiện thông tin ngay chiều 22/3, cư dân chung cư Carina Plaza đã đối thoại với ban quản trị chung cư phản ánh về tình trạng thang máy không hoạt động, bảng quảng cáo trong thang máy có dấu hiệu rò rỉ điện, có nguy cơ chập điện gây cháy nổ, tình trạng bảo vệ thường hút thuốc dưới bãi xe gây mất an toàn trong chung cư.
Đến đêm thì vụ cháy xảy ra, kéo theo cái chết của 13 người, 28 người bị thương.
Thông tin mạng xã hội bổ sung, rằng khi vụ cháy bắt đầu tại chung cư Carina Plaza, có chuông báo cháy không reo, nước chữa cháy không xả, khói lên đến tầng 14 cư dân chung cư mới phát hiện. Và chung cư Carina Plaza không nằm trong danh sách các tòa nhà vi phạm quy định PCCC tại Tp.HCM.
Chung cư cao cấp Carina Plaza gồm 6 blocks cao từ 14 đến 20 tầng, tổng diện tích khu chung cư là 22.000m2, trong đó diện tích để xe 1.000m2. Vụ cháy sáng ngày 23/3 bắt đầu tại tầng hầm giữ ôtô, xe máy giữa khu A và B, ngoài số người thiệt mạng và bị thương, còn có 13 ôtô, 150 xe máy thiệt hại trong vụ cháy.
Nếu chỉ tính riêng các vụ cháy chung cư cao tầng, vụ cháy Chung cư cao cấp Carina Plaza đã trở thành vụ có số người thiệt mạng, người bị thương lớn hàng đầu trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Sở Cảnh sát PCCC Tp HCM, thành phố hiện có 28.000 cơ sở PCCC phải quản lý. Trong đó có 10.000 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, chưa kể khu dân cư. Tính từ năm 2014, toàn thành phố xảy ra hơn 5.500 sự cố cháy nổ và cứu hộ cứu nạn. Tình hình tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó thì riêng năm 2017, toàn thành phố có trên 70 dự án chung cư tiến hành chào bán, giao dịch căn hộ chung cư chiếm 80% giao dịch bất động sản năm 2017 của Tp.HCM – theo thống kê của HoRea.
Tại Hà Nội, toàn thành phố có trên 900 công trình nhà cao tầng, hơn 850 trong số đó đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả số công trình này đều đã chưa được nghiệm thu về PCCC, nếu không nói là chỉ tỷ lệ thấp.
Cảnh sát PCCC Tp.Hà Nội cho biết, thành phố còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng, trong đó có 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Thực tế, yêu cầu về PCCC tại các chung cư cao tầng của Việt Nam đã được đặt ra từ nhiều chục năm. Các quy định về PCCC chung cư cũng thường xuyên được cấp nhật. Thậm chí, bộ quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình cũng đã được ban hành, cập nhật thường xuyên…
Nhưng cũng có thực tế khác, là năm nào cũng có chung cư bị cháy, thiệt hại về người và tài sản do cháy tại chung cư năm nào cũng có. Tại Hà Nội, thậm chí vụ vi phạm các quy định về nhà ở - trong đó có vi phạm về PCCC - tại các chung cư của tập đoàn Mường Thanh đã bị khởi tố.
Và trong khi chuyện cháy chung cư đã thành thường xuyên, thì năng lực chữa cháy lại khó tăng tương ứng. Chục năm trước, có thông tin khả năng chữa cháy, bao gồm xe thang, khả năng phun nước của lực lượng chữa cháy tại các đô thị lớn không vượt quá được tầng 9.
Trong vụ cháy tại chung cư Carina Plaza vừa xảy ra, các video clip trên mạng cho thấy việc giải cứu cư dân cũng được thực hiện ở các xe thang có tầm với hạn chế, người dân phải đu thang dây từ các tầng đỉnh xuống và thực tế đã có người hụt tay rơi khỏi thang thiệt mạng.
Đầu năm 2017, đã rộ lên thông tin Cảnh sát PCCC tại Hà Nội, Tp.HCM sẽ được trang bị trực thăng cứu hỏa. Tuy nhiên thực tế là việc trang bị trực thăng cứu hỏa tại hai đô thị này chỉ được ghi vào “quy hoạch” PCCC, với thời gian triển khai ước lệ trong giai đoạn 2026 – 2030. Còn trước mắt, Cảnh sát PCCC Tp.HCM chỉ “dám” đề xuất dùng trực thăng quân đội tham gia chữa cháy, cứu hộ nếu xảy ra cháy ở nhà cao tầng. Theo thống kê, Tp.HCM hiện có 10 cao ốc có sân bay có thể cho phép máy bay trực thăng đỗ.
Tất nhiên, những thông tin ấy có thể chỉ là một phần trong thực tế thiếu trước, hụt sau về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư đang ngày một nhiều hơn tại các đô thị lớn. Nhưng chắc chắn, nó thể hiện rõ thực tế, quy định quản lý PCCC, và năng lực PCCC hiện đang “đi sau” thực tế phát triển số lượng chung cư. Nếu không thu hẹp được khoảng cách này, thì chưa có gì hứa hẹn sẽ giảm được số vụ cháy chung cư, cũng như số người thiệt mạng vì cháy chung cư xuống.