Châu Âu đạt được thỏa thuận về các quy tắc dành cho AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà đàm phán của EU đã ký một thỏa thuận ​​cho Đạo luật Trí tuệ nhân tạo, mở đường cho việc giám sát các dịch vụ như ChatGPT.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Các nhà đàm phán từ Nghị viện Châu Âu và 27 quốc gia thành viên của khối đã vượt qua những tranh cãi xoay quanh trí tuệ nhân tạo cũng như quyền của cảnh sát sử dụng dữ liệu nhận dạng khuôn mặt để ký một thỏa thuận ​​cho Đạo luật Trí tuệ nhân tạo.

Ủy viên châu Âu Thierry Breton, đã tweet rằng: “EU trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng AI”.

Các quy tắc này chính thức được thỏa thuận sau các cuộc đàm phán kín trong tuần này, kéo dài tới 22 giờ.

Các quan chức đã cung cấp rất ít thông tin chi tiết về chính xác những gì sẽ được đưa vào bộ luật cuối cùng, ban hành sớm nhất là năm 2025. EU đã sớm dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm xây dựng các quy tắc cho AI khi công bố bản dự thảo đầu tiên vào năm 2021. Tuy nhiên, sự bùng nổ gần đây về AI đã khiến các quan chức châu Âu phải vội vã cập nhật một đề xuất được coi là một cơ chế kế hoạch cho thế giới.

Nghị viện châu Âu vẫn sẽ cần bỏ phiếu về vấn đề này vào đầu năm tới, nhưng với thỏa thuận được thực hiện thì đó chỉ là hình thức, ông Brando Benifei, đại biểu nghị viện Châu Âu cho biết.

“Rõ ràng là chúng tôi phải chấp nhận một số thỏa hiệp nhưng nhìn chung kết quả là rất tốt”, ông chia sẻ.

Các hệ thống AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI đã bùng nổ trong một năm trở lại đây, khiến người dùng choáng váng với khả năng tạo ra văn bản, ảnh và bài hát giống con người. Tuy nhiên, đồng thời nó cũng làm dấy lên lo ngại về những rủi ro mà công nghệ này gây ra đối với việc làm, quyền riêng tư, bảo vệ bản quyền và thậm chí cả cuộc sống con người.

Giờ đây, Mỹ, Anh, Trung Quốc và các liên minh toàn cầu đã đưa ra các đề xuất của riêng họ để quản lý AI, mặc dù họ vẫn chưa thể bắt kịp châu Âu.

Sau khi phiên bản cuối cùng của Đạo luật AI của EU được hoàn thiện, văn bản này cần được 705 nhà lập pháp của khối chấp thuận. Cuộc bỏ phiếu này được cho là chỉ mang tính hình thức.

Đạo luật AI ban đầu được thiết kế để giảm thiểu mối nguy hiểm từ các chức năng AI cụ thể dựa trên mức độ rủi ro của chúng, từ thấp đến không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã mở rộng sang các hệ thống tiên tiến làm nền tảng cho các dịch vụ AI có mục đích chung như ChatGPT và chatbot Bard của Google.

Được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, các hệ thống này được đào tạo dựa trên vô số thông tin được lấy từ internet. Chúng cung cấp cho các hệ thống AI tạo sinh khả năng tạo ra thứ gì đó mới không giống như AI truyền thống vốn xử lý dữ liệu và hoàn thành các nhiệm vụ bằng cách sử dụng các quy tắc định trước.

Theo thỏa thuận, các mô hình nền tảng tiên tiến gây ra “rủi ro” lớn nhất sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, bao gồm việc yêu cầu tiết lộ thêm thông tin như lượng sức mạnh tính toán được sử dụng để đào tạo hệ thống.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng những mô hình nền tảng mạnh mẽ này, được xây dựng bởi một số công ty công nghệ lớn, có thể được sử dụng để tăng cường thông tin sai lệch và thao túng trực tuyến, tấn công mạng hoặc tạo ra vũ khí sinh học.

Các tổ chức nhân quyền cũng cảnh báo rằng việc thiếu minh bạch về dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình sẽ gây ra rủi ro cho cuộc sống hàng ngày vì chúng đóng vai trò là cấu trúc cơ bản cho các nhà phát triển phần mềm xây dựng các dịch vụ hỗ trợ AI.

Chủ đề được bàn luận nhiều nhất là hệ thống giám sát nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi AI, điều mà các nhà đàm phán đã đi tới sự thỏa hiệp sau khi thương lượng căng thẳng.

Các nhà lập pháp châu Âu muốn có lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng công khai công nghệ quét khuôn mặt và các hệ thống “nhận dạng sinh trắc học từ xa” vì lo ngại về quyền riêng tư trong khi chính phủ các nước thành viên muốn có sự miễn trừ để cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng chúng để giải quyết các tội phạm nghiêm trọng như lạm dục tình dục trẻ em hoặc tấn công khủng bố.

Theo SCMP